TS Lê Ngọc Báu - viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI) - cho biết theo kết quả điều tra của WASI, chỉ có khoảng 20% nông hộ làm cà phê thu hoạch bằng phương pháp hái chọn quả chín, số còn lại là hái tuốt cành vào chính vụ với tỉ lệ cà phê quả chín đạt yêu cầu (trên 90%) chỉ chiếm 3% tổng sản lượng.
“Nông dân vẫn biết việc thu hái quả xanh nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhưng tình trạng mất cắp khiến họ phải “xanh nhà hơn già đồng”. Ngoài ra, giá cà phê quả chín hoàn toàn và tỉ lệ quả xanh nhiều không có chênh lệch nên chưa khuyến khích được người dân thu hái đúng kỹ thuật” - ông Báu nói.
Ông Nguyễn Văn Tám, phó giám đốc Công ty cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất khẩu Cafecontrol, cho rằng việc xay giập vỏ khi quả còn tươi để hạn chế thời gian phơi khô đã vô tình khiến hạt cà phê có thể bị mốc, nấm và giảm chất lượng, màu sắc tự nhiên nên có giá bán không cao dù sản lượng xuất khẩu khá lớn.
Sản lượng cà phê nhiều nhưng chất lượng không cao
Diện tích và sản lượng cà phê của VN trong những năm qua liên tục tăng nhưng giá trị thu về cho người trồng cà phê lại không cao. Đó là một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất tại Hội nghị phát triển bền vững ngành cà phê VN vừa được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Một trong những khó khăn nhất của cà phê VN, theo nhiều đại biểu, là đầu ra chưa ổn định, việc thu hoạch, sơ chế và chế biến còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng cà phê chưa tốt. Lợi nhuận từ hạt cà phê phần lớn vẫn rơi vào khâu trung gian là các nhà rang xay.
Nhiều đại biểu cũng khẳng định sản lượng (số lượng) cà phê nhiều nhưng không song hành cùng chất lượng cà phê cũng như những định hướng trong chế biến, xuất khẩu để nắm quyền chủ động về nguồn hàng thì hạt cà phê VN vẫn sẽ còn chịu cảnh bấp bênh.
Nhưng làm gì để cà phê VN phát triển bền vững, giá trị thu về đạt khoảng 10 tỉ USD như một số nước trồng cà phê khác? TS Báu đề nghị cần tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các hộ nông dân riêng lẻ, giữa người sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, chế biến.
Có như vậy người dân mới dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tiến bộ kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào và đảm bảo sản phẩm đầu ra đúng chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Hòa - phó cục trưởng Cục Trồng trọt - cho rằng cần lập quy hoạch chặt chẽ hơn nữa về các vùng trồng cà phê, đồng thời phân loại, xác định diện tích cà phê tái canh để tạo ra những vùng nguyên liệu chất lượng.
“Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hình thành hệ thống giao dịch, ký gửi cà phê an toàn, công khai minh bạch, nhằm mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người trồng cà phê.
Các doanh nghiệp, ngân hàng có thể thành lập các quỹ xúc tiến thương mại, quỹ bảo hiểm ngành hàng để thực hiện các chương trình kích cầu, khắc phục rủi ro, đặc biệt trước những biến động tiêu cực của thị trường cà phê” - ông Hòa đề xuất.
Cà phê voi giá 31,9 triệu đồng/kg
Tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 5-2015, Công ty TNHH cà phê Cao Nguyên Việt (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã “trình làng” một loại cà phê độc đáo với tên gọi “cà phê voi”, được bán với giá 31,9 triệu đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Hòa - giám đốc công ty - cho biết sở dĩ có tên gọi này là vì cà phê được làm thông qua... đường tiêu hóa của voi. Theo đó, voi được cho ăn những hạt cà phê arabia tươi ngon nhất, chín mọng đỏ, rửa sạch và để thật khô.
Khi cho voi ăn, những hạt cà phê này trộn với rau, mía, chuối, dứa và đồ ăn khác. Phải mất từ 16-30 giờ từ khi voi ăn hạt đến khi ra thành phẩm. Sau đó, công nhân sẽ thu gom những hạt cà phê từ phân voi rồi sơ chế, rửa sạch, phơi khô, tách vỏ lụa và rang, xay thành cà phê.
“Trong quá trình voi ăn, tiêu hóa sẽ có nhiều hạt cà phê bị vỡ và biến mất. Do đó, khoảng 30kg trái cà phê tươi mới thu được 1kg cà phê voi. Quá trình lên men tự nhiên trong ruột voi sẽ tạo nên một loại cà phê đặc biệt. Axit trong dạ dày voi sẽ loại bỏ chất protein vốn là nguyên nhân tạo nên vị đắng chát của hạt cà phê. Ngoài ra, cộng hưởng với sự lên men của những nguyên liệu khác như rau, mía, chuối, dứa... khi voi ăn nên sẽ tạo nên một hương vị riêng” - ông Hòa nói.
|