Theo Tổng cục Thống kê Hồng Kông, hằng năm Hồng Kông nhập khẩu khoảng 1,7 tỉ quả trứng gia cầm có vỏ (bao gồm trứng sống, trứng nấu chín và trứng có vỏ đã chế biến) hay một ngày Hồng Kông tiêu thụ khoảng 4 triệu quả trứng các loại.
Trong số đó, hàng năm Trung Quốc cung cấp khoảng 1,065 tỉ quả (chiếm 62% thị phần), Mỹ 389 triệu quả (23%), Đức 127 triệu quả (7,5%), Thái lan 83 triệu quả (5%) và Việt Nam 16 triệu quả (0,9%). Còn lượng cung cấp nội địa chỉ khoảng 400 quả trứng sống/ngày, do hai trại chăn nuôi gia cầm Hồng Kông bán ra thị trường (chỉ đáp ứng được 0,01% nhu cầu tiêu thụ).
Hiện tại, cơ quan kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm Hồng Kông chưa áp dụng bất kỳ một biện pháp quản lý đặc biệt nào kiểm soát trứng nhập khẩu vào Hồng Kông. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trứng gia cầm có thể là nguồn lây nhiễm dịch cúm H5N1 sang người và vật nuôi. Gần đây, Tổ chức thú y Thế giới đã sửa đổi các quy định về kiểm soát trứng gia cầm các loại và khuyến nghị các nước phải thay đổi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu trứng gia cầm. Theo đề nghị của tổ chức này, tất cả các lô trứng XK cần phải có giấy chứng nhận y tế do các cơ quan chuyên ngành cấp để kiểm soát dịch cúm lây lan.
Trước tình hình này, Hồng Kông sẽ thi hành các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để kiểm soát trứng gia cầm nhập khẩu. Đặc biệt là gần đây (tháng 11 năm 2006), Hồng Kông đã phát hiện một số lô trứng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được nhuộm lòng đỏ bằng phẩm màu hóa chất Sudan đỏ, gây hại cho người sử dụng.
Ngay sau sự kiện này, tháng 11 năm 2006, Cơ quan Giám sát và Kiểm soát chất lượng và Kiểm dịch Hồng Kông (AQSIQ) đã đưa ra hàng loạt các biện pháp để tăng cường kiểm soát trứng gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 1/2007, Hồng Kông quy định tất cả trứng gia cầm nhập khẩu vào Hồng Kông đều phải có Giấy chứng nhận y tế. Ngoài ra, Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông (CFS) từ ngày 19/12/2006, đã áp dụng chế độ đăng ký tự động cho nhà nhập khẩu trứng gia cầm Hồng Kông, theo đó nhà nhập khẩu sẽ phải cung cấp các thông tin về nguồn gốc trứng gia cầm nhập khẩu, số lượng nhập khẩu và cơ cấu tổ chức các kênh phân phối trứng gia cầm tại Hồng Kông. Đến cuối tháng 12 năm ngoái đã có 29 nhà nhập khẩu trứng từ Trung Quốc và các thị trường khác hưởng ứng và tự nguyện đăng ký. CFS đã đưa thông tin của các DN này lên mạng điện tử của CFS (DN quan tâm đề nghị truy cập: www.cfs.gov.hk).
Dự kiến trong năm 2007, Hồng Kông sẽ áp dụng các biện pháp sau để kiểm soát trứng gia cầm nhập khẩu.
1. Các biện pháp hành chính:
- Yêu cầu tất cả các nhà nhập khẩu trứng gia cầm tại Hồng Kông tự đăng ký để trong tháng 2 năm nay sẽ đưa lên mạng điện tử của CFS toàn bộ danh sách các nhà nhập khẩu để giúp người bán buôn và bán lẻ truy xuất được nguồn gốc trứng gia cầm nhập khẩu.
- Thiết lập một cơ chế để đảm bảo rằng toàn bộ trứng gia cầm nhập khẩu vào Hồng Kông đều phải có Giấy chứng nhận y tế của cơ quan có thẩm quyền của nước XK cấp. Vì các cơ sở sản xuất trứng gia cầm sở tại đều phải đăng ký với Cơ quan y tế nên trong những trường hợp đặc biệt, CFS có thể liên hệ với các cơ quan y tế này để truy xuất ngược nguồn gốc trứng gia cầm nhập khẩu.
- Triển khai hệ thống điện tử để giúp việc đăng ký tự động nhanh chóng cũng như hỗ trợ truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm nhập khẩu trong trường hợp phát hiện nhiễm độc chất hoặc virút cúm.
Hiện tại, các biện pháp trên chỉ mới được áp dụng cho các nhà nhập khẩu. Để đảm bảo công khai, CFS yêu cầu tất cả các hãng bán buôn và người phân phối phải cung cấp các thông tin về trứng gia cầm nhập khẩu trước ngày 15/2. Những thông tin này sẽ được công bố trên mạng điện tử để giúp các nhà bán lẻ chọn mua được trứng gia cầm có Giấy chứng nhận y tế. Doanh nghiệp nào đăng ký đúng hạn sẽ được cấp các chứng từ cần thiết để làm cơ sở cho việc cấp Giấy chứng nhận sau này, khi Hồng Kông thông qua Luật kiểm soát trứng gia cầm nhập khẩu vào Hồng Kông.
2. Các biện pháp về chính sách:
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Hồng Kông sẽ thay đổi chính sách kiểm soát trứng gia cầm nhập khẩu. Trước mắt, Hồng Kông dự kiến sẽ sửa đổi Luật kiểm soát Thịt thú rừng, thịt gia súc và gia cầm (Cap 132 sub. Leg. AK) và Luật xuất nhập khẩu (Cap 60 sub. leg. A) yêu cầu người nhập khẩu trứng gia cầm phải đăng ký với CFS để được cấp Giấy phép nhập khẩu trứng gia cầm.
Trong mọi trường hợp, trứng gia cầm nhập khẩu đều phải có Giấy chứng nhận y tế đi kèm mới được nhập khẩu.
Thông qua các biện pháp giám sát nhập khẩu, CFS yêu cầu nhà nhập khâu phải lưu trữ hồ sơ mạng phân phối sản phẩm nhằm truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm khi cần thiết.
Trong trường hợp phát hiện trứng gia cầm nhập khẩu bị nhiễm độc tố hoặc virút, CFS sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu trứng gia cầm từ nguồn cung cấp bị nhiễm bằng cách ngừng cấp Giấy phép nhập khẩu. Ngoài ra, Hồng Kông cũng sẽ nghiên cứu đề ra một cơ chế riêng để kiểm soát các nhà phân phối hoặc bán lẻ khác không được mua trứng gia cầm từ các nhà nhập khẩu không đăng ký hoặc cố tình “bào chế” trứng gia cầm bằng các loại hóa chất độc hại. Các biện pháp này chắc chắn sẽ kiểm soát hiệu quả trứng gia cầm kể từ khi nhập khẩu đến lúc tham gia vào mạng phân phối, bán buôn, bán lẻ cho đến khi đến tay người tiêu dùng.
3. Các biện pháp chế tài:
Luật kiềm soát thịt thú rừng, thịt gia súc và gia cầm sửa đổi sẽ có chế tài xử phạt vi phạm. Bất kỳ ai nhập khẩu trứng gia cầm không được phép hoặc không có Giấy phép nhập khẩu, nếu bị phát hiện, sẽ phải nộp phạt 50.000 HKD (tương đương 100 triệu đồng) và bị phạt tù 6 tháng. Những người không lưu trữ đầy đủ chứng từ cho lô hàng trứng gia cầm cũng bị coi là vi phạm và phải nộp phạt 10.000 HKD (khoảng 20 triệu đồng) và bị phạt tù 3 tháng.
4. Các biện pháp hiệp thương:
Để thực thi các biện pháp về chính sách, tháng 12/2006, Hồng Kông đã tham khảo ý kiến các DN và nhận được sự ủng hộ tích cực. Vì vậy, sau khi soạn thảo Luật sử đổi, Hồng Kông sẽ đệ trình Hội đồng Lập pháp trong Quý I năm nay để thông qua.
Luật sửa đổi này là bước đầu tiên để đảm bảo rằng trứng gia cầm nhập khẩu vào Hồng Kông từ bất kỳ nguồn cung cấp nào cũng đều phải an toàn cho người tiêu dùng. Luật này sẽ chỉ được áp dụng cho người nhập khẩu tại Hồng Kông mà không áp dụng cho người bán buôn và bán lẻ.
Đồng thời, Hồng Kông cũng đang nghiên cứu đề xuất một cơ chế toàn diện hơn có ràng buộc trách nhiệm của cả người bán buôn và bán lẻ để đảm bảo rằng bất kỳ ai trong hệ thống phân phối trứng gia cầm cũng phải chia sẻ trách nhiệm về an toàn thực phẩm đối với trứng gia cầm tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Cảnh báo: Ngày 29/1 tại mạng thông tin Yahoo News đã đưa tin dẫn lời một quan chức của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh rằng tại Việt Nam đã phát hiện trứng gia cầm được nhuộm lòng đỏ bằng phẩm màu hóa chất Sudan đỏ, gây hại cho người sử dụng và dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào an toàn thực phẩm đối với trứng gia cầm, làm cho lượng tiêu dùng trứng gia cầm tại Việt Nam đột ngột giảm sút. Vì vậy, ngày 1/2 vừa qua, CFS đã chính thức gửi công thư cho Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông, bày tỏ quan ngại của chính quyền Hồng Kông về sự việc này. Đồng thời cơ quan này cũng đề nghị phía Việt Nam cung cấp cho phía Hồng Kông các thông tin mới nhất về nguồn gốc trứng gia cầm bị nhiễm và tìm hiểu xem đã có lô hàng XK trứng gia cầm nào bị nhiễm độc tố Sudan đỏ được XK sang Hồng Kông hay chưa. Nếu có, thì cũng cho biết tên, địa hcỉ của người cung cấp, ngày và số lượng lô hàng trứng gia cầm XK và toàn bộ các thông tin liên quan khác.
Hiện Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Cục Thú y) đang phối hợp xử lý vụ việc.
Chúng tôi xin cảnh báo những thay đổi trong chính sách của Hồng Kông đối với các doanh nghiệp XK trứng gia cầm của Việt Nam vào thị trường Hồng Kông và mong những thông tin trên đây sẽ giúp ích phần nào cho các nhà làm chính sách an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sớm có các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ được người tiêu dùng cũng như bảo vệ được lợi ích chính đáng của DN xuất khẩu!