Dữ liệu do MAFF vừa công bố cho thấy xuất khẩu cao su tự nhiên của Campuchia trong 9 tháng đầu năm 2016 là 82.825 tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu của MAFF cũng cho thấy diện tích trồng cao su tại Campuchia tiếp tục tăng.
Một nhà chức trách của Hiệp hội phát triển cao su Campuchia cho biết xuất khẩu tăng không đáng ngạc nhiên nhưng giá thấp sẽ tác động tiêu cực lên ngành cao su Campuchia.
“Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi giá trị xuất khẩu tăng nhờ diện tích tăng nên sản lượng cung tăng. Đối với ngành cao su, xuất khẩu đang tăng bất chấp giá suy giảm do các cơ sở hoạt động có nhu cầu quay vòng vốn sản xuất ngay cả khi đang phải bán lỗ”.
Kể từ khi đạt mốc giá cao kỷ lục 4.500 USD/tấn hồi năm 2011, giá cao su đã lao động và hiện chưa đến 1.050 USD/tấn trong năm 2016.
Do giá thấp, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan – 3 nước sau cùng chiếm khoảng 70% sản lượng cao su toàn cầu – giảm xuất khẩu 15% trong tháng 3, trong một nỗ lực làm giảm nguồn cung và kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá tăng.
Cũng trong tháng 3, chính phủ Campuchia đã ban hành quy định về thuế xuất khẩu cao su. Nếu giá cao su tự nhiên toàn cầu giảm xuống dưới 1.000 USD/tấn, các nhà xuất khẩu sẽ không phải đóng thuế, nhưng nếu giá cao su tự nhiên quốc tế đạt từ 1.000 – 2.000 USD/tấn, mức thuế sẽ là 50 USD/tấn và 100 USD/tấn nếu giá vượt trên mốc trên.
Theo ông Kim Heng, chủ tịch Hean Mean Investment Co. có 10.000ha trồng cao su tại tỉnh Kampong Cham, nguồn cung của các nước xuất khẩu lớn giảm dẫn tới khả năng giá được cải thiện nhẹ, nhưng tác động cho tới nay vẫn còn rất yếu.
“Chúng tôi nhận thấy giá có cải thiện kể từ khi 3 nước sản xuất lớn giảm nguồn cung cao su tự nhiên ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ từ chính phủ. Mặc dù chính phủ đã giảm thuế xuất khẩu trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa có tác động nhiều”.
Ông cho biết chi phí sản xuất cao su hiện tại của Campuchia là khoảng 1.400 USD/tấn, so với giá thị trường là 1.247 USD/tấn, tức ngành cao su Campuchia đang hoạt động lỗ.
Theo MAFF, tổng diện tích trồng cao su của Campuchia tính đến tháng 9/2016 đạt 402.310ha, cao hơn mức mục tiêu 400.000ha đến năm 2020. Trong diện tích này, có khoangt 123.270ha đang được chăm sóc. Bất chấp giá thấp và sản lượng tăng, ông Heng cho rằng các nhà sản xuất kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi.