“Trong những tháng đầu năm, ngành thủy sản đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Sau đó, cân bằng cung – cầu trên thị trường thế giới đã giúp giá một số sản phẩm thủy sản phục hồi”, theo ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP cho biết. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng trong năm 2016, mặc dù tăng không cao.
Ông Hòe cũng cho biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 đạt 5,7 tỷ USD và xuất khẩu được dự đoán tăng mạnh trong những tháng cuối năm nhờ nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính thường tăng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Xuất khẩu tôm tăng do nhu cầu tăng tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU trong khi nguồn cung giảm. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,25 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015, với Mỹ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Số liệu chính thức của VASEP cho thấy Mỹ tiếp tục là nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,1% tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm, trị giá 520,2 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt 431 triệu USD, tăng 6,9%. Theo VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2016 có thể đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2015.
Cá tra là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 1,23 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt nhưng các nhà xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do thuế chống bán phá giá của Mỹ và chương trình thanh tra cá tra của nước này. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 75,6%, đưa nước này trở thành nước nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam.
VASEP dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu được 1,66 tỷ USD cá tra trong năm 2016, tăng 6,4% so với năm 2015.
Đối với cá ngừ, mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ 3, trong 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu đạt 354,6 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu các loại cá khác đạt 816 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu các loại thân mềm (mực ống, bạch tuộc, và các loại thân mềm có vỏ) giảm 3,4%.
Theo FIS