Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ai dẹp 'loạn phân bón' giúp nông dân?
13 | 10 | 2017
Bỏ ra cả chục triệu đồng mua phân về bón cho tiêu, không ngờ bón tới đâu tiêu chết tới đó. Trong khi nông dân lãnh đủ hậu quả do phân bón dỏm gây ra mòn gót kêu cứu, thì nhà chức trách vẫn loay hoay, chưa xử lý nghiêm và dứt điểm được vụ sản xuất phân bón dỏm, kém chất lượng nào.
Ai dẹp 'loạn phân bón' giúp nông dân? - ảnh 1Vườn tiêu nhà anh Phú bị cháy lá, rụng quả sau khi bón phân.

 

Khổ vì phân bón

Anh Ma Văn Phú ở thôn 2 Bình Hòa, xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) buồn rầu: Cách đây hơn 3 tháng, những trụ tiêu này còn xanh mướt, trĩu quả. Bây giờ thì không chỉ mất trắng sản lượng vụ này, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất vườn cây trong những năm tiếp theo.

Vợ anh Phú, chị Trương Thị Xê cho biết: Thông qua lời giới thiệu của ông Văn cán bộ chi hội nông dân thôn Bình Hòa 2, ngày 14/7/2017, vợ chồng chị mua 5 tấn phân vi sinh của Cty phân bón Humic Quảng Ngãi với giá trên 5,5 triệu đồng/tấn, cộng cả 10 bao khuyến mãi là 110 bao. Trưa cùng ngày, anh chị đem 13 bao bón cho vườn tiêu đang sai trái. Hôm sau ra vườn đã thấy các trụ tiêu này cháy lá như bị lửa đốt, trái non rụng đầy, chị vội điện thoại báo tin cho Cty. Phía Humic cử nhân viên thị trường xuống kiểm tra. Một tuần sau phó giám đốc cùng trưởng phòng kinh doanh của Cty đến tự tay lấy phân cho tiêu để kiểm nghiệm. Trước sự chứng kiến của đại diện hội nông dân thôn Bình Hòa 2, chỉ khoảng 30 phút sau toàn bộ trụ tiêu vừa được bón đã xuất hiện tình trạng cháy lá y như các trụ tiêu trước.

Hôm sau, Humic thông báo thu hồi số phân còn lại, hoàn tiền mua phân cho anh Phú, hỗ trợ 7 triệu đồng cho số tiêu đã thiệt hại. Vợ chồng anh Phú không chấp nhận, lên trình báo với Chi cục Quản lý thị trường và cơ quan 389 tỉnh. Cty tăng mức hỗ trợ lên 14 triệu, 50 triệu, rồi 70 triệu, gia đình anh Phú vẫn không đồng ý. Nhân viên Cty thách anh Phú đi kiện.

Gửi đơn khiếu nại đến báo Tiền Phong, chị Trương Thị Xê cho biết: Sản lượng 1.000 trụ tiêu 10 năm tuổi của gia đình tôi mất trắng vụ này do phân Humic tương đương 600 triệu đồng. Chúng tôi yêu cầu Humic phải bồi thường 600 triệu; hoặc chúng tôi đồng ý nhận 70 triệu, nhưng Cty phải hỗ trợ gia đình tôi phục hồi vườn tiêu trong 5 năm, trụ tiêu chết không hồi phục được thì Cty phải đền 5 triệu đồng một trụ. Họ không chịu, chắc chúng tôi phải kiện ra tòa.

Gặp nạn tương tự, ông Nguyễn Văn Thỉnh ở thôn Thanh Ba, xã Xuân Phú (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) hơn một năm nay kiên trì khiếu nại. Nghe lời một thôn trưởng khác huyện khen phân bón Đồng Lộc thay thế phân chuồng tốt cho cây tiêu mà giá thành hợp lý, ngày 23/9/2016 ông Thỉnh mua 2 tấn phân Đồng Lộc giá 7,6 triệu của Cty An Thịnh địa chỉ tại Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Dùng 1,2 tấn rải bón tiêu, khoảng 10 ngày sau ông Thỉnh phát hiện các gốc tiêu được bỏ phân đều bị vàng lá, rụng lá, quả.

Ông Thỉnh gọi điện báo, Cty 5 lần xuống làm việc, cử nhân viên lấy mẫu tiêu đi kiểm tra rồi gửi cho gia đình kết quả tiêu chết do bị bệnh. Điều bất thường văn bản thể hiện ngày lấy mẫu là 11/11, nhưng ngày nhận mẫu xét nghiệm lại là 10/11! “Họ đưa kết quả như vậy thể hiện sự không tôn trọng người dân, phủi tránh trách nhiệm. Tôi phải làm đơn nhờ phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar lấy mẫu phân đem đi xét nghiệm cho khách quan”- ông Thỉnh kể.

Sau khi Trung tâm kiểm nghiệm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 cho ra kết quả hàm lượng ghi trên bao bì của phân bón An Thịnh không đúng với kiểm nghiệm thực tế, phía An Thịnh đề nghị hỗ trợ ông Thỉnh 100 triệu đồng. Gia đình ông Thỉnh không chịu. Trao đổi với Tiền Phong, ông Thỉnh khẳng định 0,8 ha tiêu từ 7-11 năm tuổi vụ trước cho thu hoạch hơn 3,5 tấn hồ tiêu, do ông lỡ bón phân An Thịnh mà 180 trụ tiêu đã chết hẳn, 200 trụ dở sống dở chết, và 500 trụ vàng lá rụng hết trái. Quy ra, hậu quả vụ này khiến gia đình ông thiệt hại tiền tỉ. Vì vậy ông ra giá bồi thường 450 triệu, sau hạ xuống còn 300 triệu. Nhưng phó giám đốc Cty An Thịnh nhắn tin là Hội đồng quản trị Cty không đồng thuận với mức bồi thường đó. Tuần trước, ông Thỉnh phải tiếp tục gửi đơn lên UBND tỉnh Đắk Lắk.

Đứng thất thần trước vườn tiêu xơ xác, ông Thỉnh thở dài: Nguồn sống của nông dân chỉ trông nhờ vào cây trồng, nhưng nông dân làm sao biết được đâu là phân tốt, phân xấu.

Dẹp phân dỏm, sao khó thế!?

Ông Nguyễn Đào Chí - Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết từ đầu năm đến nay Chi cục chỉ nhận xử lý 2 vụ phản ánh về chất lượng phân bón của anh Phú và ông Thỉnh. Vụ anh Phú, sau khi Đoàn liên ngành 389 xuống kiểm tra, lấy mẫu phân bón gửi Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thành phố Hồ Chí Minh, kết quả hai lần kiểm nghiệm đều đạt chất lượng theo quy định, riêng nguyên nhân gây cháy, rụng lá vẫn chưa tìm ra. Chi cục quản lý thị trường có đề nghị Trung tâm tiến hành thực nghiệm tại vườn tiêu để tìm nguyên nhân nhưng Trung tâm trả lời không đủ thiết bị, máy móc. Chi cục đã báo cáo lên UBND tỉnh, Đoàn 389, chờ chỉ đạo tiếp.

Còn vụ ông Thỉnh, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Ea Kar. Sau khi phòng Nông nghiệp huyện tiến hành lấy mẫu phân bón đi xét nghiệm và đã có kết quả thì căn cứ vào đó để giải quyết. Theo kết quả phân tích, 3/4 thành phần các chất có trong phân bón ghi trên bao bì thấp hơn so với thực tế kiểm tra. Với kết quả này huyện Ea Kar cần yêu cầu Cty cung cấp giấy phép sản xuất, công bố hợp quy, hợp chuẩn… để có cơ sở kết luận, xử lý. Hai tuần trước UBND huyện mời đại diện Sở Công thương, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Chi cục quản lý thị trường… xuống họp, nhưng đại diện Cty không đến. Do huyện vẫn chưa làm việc được với Cty, nên sự việc kéo dài.

Theo kết quả phân tích 4 mẫu phân bón Đồng Lộc do Trung tâm kiểm nghiệm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 tiến hành, với 4 chỉ tiêu cần kiểm nghiệm gồm (1) Hữu cơ; (2) Ca, Mg, S; (3) Zn; (4) Cu, Fe, Bo, Mn, thì hàm lượng các chất có trong mẫu phân khác xa so với thực tế ghi trên bao bì, có loại tăng vọt, có loại hạ thấp. Ví dụ với mẫu 1: Chỉ tiêu (1) ghi trên bao bì là 4,9 %, thực tế phân tích là 39,1 %; chỉ tiêu (2) có 1,95% trong khi trên bao bì ghi 3%; chỉ tiêu (3) chỉ có 64 ppm, trên bao bì là 2000ppm; chỉ tiêu (4) trên bao bì là 500ppm, thực tế tăng vọt lên  22.764ppm.



Báo cáo phân tích thị trường