Thay vì buộc nông dân trồng cao su giảm sản xuất, chính phủ nên noi gương các nước láng giềng khi sử dụng hệ thống hàng đổi hàng để hỗ trợ hàng hóa nông sản, theo Uthai Sornlaksap, chủ tịch Hội đồng mạng lưới cao su và Viện Nông dân trồng cao su Thái Lan (RNRF). “Chính phủ có thể hỗ trợ nông dân Thái Lanbằng cách đổi cao su tự nhiên sản xuất nội địa lấy các trang thiết bị quân sự”. Đồng thời, ông Uthai cũng gợi ý cách tiếp cận tương tự trong các dự án G2G, như các dự án tàu cao tốc, để cắt giảm chi phí.
Một số nước láng giềng của Thái Lan cũng đã sử dụng hệ thống hàng đổi hàng để hỗ trợ thị trường nông sản nội địa. Ví dụ, hồi đầu tháng 2/2018, chính phủ Indonesia đã đàm phán với Nga về việc mua 11 máy bay chiến đấu, trị giá 1,41 tỷ USD và 50% giá trị hợp đồng mua máy bay này sẽ được trả bằng cao su Indonesia. Năm 2009, Việt Nam cũng mua 6 tàu ngầm Nga với một nửa giá trị hợp đồng được thanh toán bằng hàng hóa tiêu dùng. Bên cạnh đó, một hợp đồng thương mại song phương về đào tạo 100 thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam cũng là một điều khoản đáng khích lệ cho phía Nga.
Chủ tịch RNRF cho biết đã thảo luận về một đề xuất hàng đổi hàng cao su với Yongyut Sarasombat, chủ tịch Hội hữu nghị Thái – Oman và câu lạc bộ văn hóa Thái – Iraq. Đồng thời cho biết thêm ông Pol Maj Yongyut sẽ thảo luận về vấn đề này với Bộ trưởng Nông nghiệp Grisada Boonrach; và cho rằng chính phủ nên thực tế về việc yêu cầu nông dân giảm sản xuất cao su trong giai đoạn tháng 5 – 6. Chỉ những người trồng cao su đăng ký với các cơ quan chức trách mới nhận được bồi thường khi giảm sản xuất trong giai đoạn này.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)