Cam kết giảm xuất khẩu này được đưa ra trong cuộc gặp diễn ra vào cuối năm 2017 giữa các nhà chức trách cấp cao thuộc Hội đồng Cao su Ba bên và sẽ được IRTC giám sát, theo thông báo của International Rubber Consortium Ltd (IRCo). IRCo cũng cho biết Thái Lan, Indonesia và Malaysia tự tin rằng việc hợp tác triển khai các biện pháp này sẽ giúp giá cao su tự nhiên hồi phụ và mang lại lợi ích cho tất cả nông dân và các tác nhân trong ngành.
Luckchai Kittipol, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Cao su Thái Lan kiêm giám đốc IRCo, cho biết phần lớn cắt giảm xuất khẩu cao su đến từ Thái Lan, với mức cắt giảm tổng cộng 230.000 tấn, theo sau là Indonesia với 90.000 tấn và Malaysia với 30.000 tấn. Thái Lan là nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, với sản lượng 4,5 triệu tấn hàng năm – chiếm 37% tổng sản lượng cao su toàn cầu. Ông Luckchai cho biết mục tiêu chính của chính sách này là đẩy giá cao su tăng trên thị trường thế giới, sau khi giá cao su suy giảm xuống mức không thể chấp nhận được cho nông dân.
Giá cao su tự nhiên Thái Lan đã suy giảm trong vài năm qua, phần lớn do tình trạng dư cung tại các nước sản xuất cao su lớn trên thế giới. Nền kinh tế thế giới suy yếu dẫn đến giảm nhu cầu đối với ngành công nghiệp ô tô, làm thiệt hại cho các nhà sản xuất cao su tự nhiên toàn cầu.
Giá cao su giảm còn do tăng trưởng sản xuất cao su tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) trong 10 năm qua. Các nước CLMV hiện cung ứng 5,3% tổng sản lượng cao su toàn cầu.
Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, cũng tăng nhập khẩu cao su tự nhiên từ các nước CLMV để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Giá cao su tự nhiên RSS3 tham chiếu cho xuất khẩu đã giảm 12% từ 60,5 Baht/kg năm 2016 xuống 55 Baht/kg trong năm 2017, khiến nông dân Thái Lan hết sức lo lắng, đặc biệt là tại khu vực miền Nam – chiếm gần 65% tổng sản lượng cao su hàng năm của nước này.
Ngày 5/1/2018, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 46 Baht/kg, giảm mạnh từ mức 80 Baht/kg trong cùng kỳ năm 2017. Giá cao su hiện thấp hơn nhiều so với mức giá đỉnh điểm 148 Baht/kg hồi năm 2011, là mức giá cao kỷ lục khi giá dầu tăng vọt, đẩy giá cao su tổng hợp – loại cao su chiết xuất từ dầu mỏ, sản phẩm thay thế cho cao su tự nhiên, tăng và khuyến khích các nhà sản xuất lốp xe ô tô toàn cầu chuyển sang cao su tự nhiên.
Một phần thúc đẩy doanh số bán cao su tự nhiên thông qua các kênh xuất khẩu, chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các tổ chức giáo dục tăng sử dụng cao su tự nhiên nội địa để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Một phần trong những nỗ lực gần đây nhất, tháng 12/2017, chính phủ Thái Lan có kế hoạch tăng lượng thu mua cao su tự nhiên từ 20.000 – 30.000 tấn lên 50.000 – 80.000 tấn cao su thường niên để đẩy giá. Bộ Nông nghiệp cho biết mục tiêu là đẩy giá cao su tự nhiên trên thị trường vượt chi phí sản xuất, tức vào khoảng 51,3 Baht/kg. “Chúng tôi hy vọng cắt giảm xuất khẩu sẽ đẩy giá cao su tự nhiên lên 60 Baht/kg trong quý 1/2018”, ông Luckchai phát biểu. Ông cho biết thêm sản xuất cao su tự nhiên Thái Lan dự báo đạt 4,4 triệu tấn trong năm 2018, tăng 3,4%, hay 150.000 tấn so với năm 2017.
Tiêu dùng nội địa ước đạt 700.000 tấn, tăng 11,4%, tương đương 80.000 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su tự nhiên năm 2018 của Thái Lan dự báo giảm 5,2% xuống còn 3,6 triệu tấn, so với mức 3,8 triệu tấn trong năm 2017.
Ông Luckchai cho hay giá cao su giảm phần lớn là do tình trạng dư cung trên thị trường thế giới. Năm 2018, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới dự báo tăng 2,3% lên 12,4 triệu tấn, trong khi nguồn cung cao su tự nhiên được dự báo đạt 12,5 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2017.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)