Để phá vỡ rào cản này, ông Mayorga và một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm đến giải pháp theo dõi các tàu khai thác từ không gian, sử dụng các vệ tinh để ghi chép địa điểm và thời gian hoạt động của các tàu khai thác thủy sản. Kết quả nghiên cứu làm kinh ngạc các nhà nghiên cứu. Hơn 55% bề mặt đại dương đã ghi nhận hoạt động của các tàu khai thác, gấp 4 lần diện tích hoạt động của nông nghiệp.
Khai thác thủy sản công nghiệp có tác động tiêu cực tới môi trường. Khai thác quá mức làm cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, nhiều loại như cá heo và rùa biển bị bắt nhầm và các tàu khai thác công suất lớn thải ra một lượng CO2 lớn. Nhưng nhìn vào ngành này trên phạm vi toàn cầu có thể giúp tăng tính minh bạch và độ tin cậy để đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản được quản lý một cách bền vững hơn.
Hoạt động khai thác thủy sản diễn ra ở đâu?
Nghiên cứu được công bố trên tờ Science, theo dõi hơn 70.000 tàu khai thác thủy sản công nghiệp, có chiều dài từ 6 – 146m, chiếm hơn 75% ngành khai thác thủy sản quy mô lớn trên thế giới.
Từ năm 2012 – 2016, các nhà nghiên cứu đã quan sát các hoạt động của các tàu khai thác thủy sản theo giờ, bằng cách lọc 22 tỷ tín hiệu từ các hệ thống xác định tự động của tàu hay AIS (automatic identification systems). AIS ban đầu được tạo ra để ngăn chặn các vụ va đập bằng cách phát đi tín hiệu xác định vị trí của tàu, tốc độ và góc xay trong mỗi giây. “Các thông điệp AIS này được phát đi công khai liên tục thông qua vệ tinh”, ông Mayorga cho biết. “Sau đó chúng tôi sắp xếp các tín hiệu nhờ các thuật toán tinh vi được cung cấp bởi Google và các thuật toán giải mã”. Từ đó, ông có thể nhìn thấy rõ thông tin về các đặc điểm của từng tàu, qua đó tiết lộ loại hình khai thác thủy sản đang được tiến hành. Tàu câu cá dài, một dạng khai thác trong đó một dây câu cùng với mồi câu được thả xuống nước, là loại phổ biến nhất. Các tàu kéo lưới hoạt động phổ biến tại biển Bắc và ngoài khơi Trung Quốc.
Dữ liệu cũng cung cấp thông tin hữu ích về các hoạt động khai thác tại các vùng biển xa bờ. Trái ngược với các vùng biển gần bờ có sự giám sát của một nước cụ thể, các vùng biển xa bờ ít được giám sát hơn. Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 85% hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng biển xa bờ.
Hoạt động khai thác diễn ra khi nào?
“Bạn không thể đi vào đầu một ngư dân giống như cách bạn đi vào đầu một con cá”, theo Douglas McCauley, một nhà sinh vật học biển từ đại học California tại Santa Barbara, không thuộc thành viên nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Không giống như các sinh vật biển, dữ liệu vệ tinh cho thấy hoạt động của con người ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường hơn. Nhưng thế không có nghĩa là không có chu kỳ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự suy giảm hoạt động trên diện rộng của các tàu khai thác Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ năm mới. Họ cũng nhận thấy sự suy giảm hoạt động trên diện rộng ở các đội tàu khác trong dịp Giáng sinh và năm mới. CÁc khu vực có nguồn lợi thủy sản theo mùa cũng có các chu kỳ khai thác rõ ràng. Khi giá dầu tăng vọt, nghiên cứu chỉ ra rằng các hoạt động khai thác thủy sản phần lớn không bị ảnh hưởng. Ông McCauley cho rằng các khoản trợ cấp khai thác thủy sản, được tài trợ bởi WTO đã cố gắng nhưng thất bại trong quyết định cắt giảm hồi tháng 12/2017, khiến hoạt động khai thác quá mức tiếp tục diễn ra.
Các hoạt động giám sát bảo vệ nguồn lợi
Ngoài National Geographic, một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ đại học California Santa Barbara, đại học Daihousie, đại học Stanford, và Global Fishing Watch (GFW), một hoạt động hợp tác phi lợi nhuận được tài trợ bởi Oceân, SkyTruth, và Google nhằm mục tiêu tăng cường minh bạch. “GFW đã mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới trong cuộc chiến chống lại khai thác thủy sản trái phép và minh bạch hóa hoạt động khai thác ngoài khơi xa”, ông Daniel Pauly, một nhà sinh vật học đại dương phát biểu.
Thông qua công khai dữ liệu của nghiên cứu, GFW nhằm bảo tồn các nguồn lợi biển ở chi phí thấp có thể dễ dàng thực hiện hơn. Các khu bảo tồn biển có vai trò giống như một ngân hàng thủy sản, cho phép các nguồn lợi thủy sản phát triển mạnh mẽ tại các khu vực ngoài khơi xa. Các nhà bảo tồn từ lâu đã đấu tranh để tiến hành các khu bảo tồn biển lớn hơn và nhiều hơn, nhưng đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ ngành khai thác thủy sản. “Cơ sở dữ liệu toàn cầu này giúp quá trình ra quyết định hoặc đàm phán minh bạch”, ông Mayorga cho biết. Các nhà bảo tồn cho biết họ sẽ có thể chứng minh được vùng nào ít được khai thác bởi các ngư dân hơn và có nhiều điều kiện trở thành một khu bảo tồn.
Quản lý bền vững
“Nghề nghiệp đầu tiên trong đời tôi là đánh cá. Bạn có thể tượng tượng công việc ấy vất vả ra sao”, ông McCauley cho hay. “Bạn thấy các câu chuyện khác nhau trong cùng một cơ sở dữ liệu. Đây là một ngành sản xuất ngày càng quan trọng khi thế giới đang đối diện với vấn đề an ninh lương thực và thiếu hụt dinh dưỡng”. Ông tin rằng thông qua xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp khai thác thủy sản và điều tiết ngành khai thác thủy sản có tính chiến lược trên phạm vi toàn cầu hơn, thế giới có thể bảo tồn các nguồn lợi thủy sản ở mức hiện tại hoặc khai thác mà không làm cạn kiệt nguồn lực. “Không có mục tiêu nào trong số này có thể hoàn thành nếu chúng ta không có một cơ sở dữ liệu công khai”.
Nếu các chính sách bảo tồn được áp dụng cho ngành khai thác thủy sản, ông Mayorga nhận thấy vai trò của các tín hiệu AIS có thể sử dụng để tăng độ tin cậy của ngành. “Vấn đề lớn nhất là khả năng truy xuất nguồn gốc các nguồn lợi thủy sản. Bạn phải giữ hoạt động theo dõi xem thủy sản được khai thác ở đâu, cập cảng ở đâu. Đây là một vấn đề lớn của tính bền vững”. Mục tiêu tiếp theo của ông là giám sát và theo dõi các tàu khai thác công suất nhỏ hơn.
Theo National Geographic (gappingworld.com)