Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc – nhà hoạt động môi trường năng nổ nơi quê nhà, phá hoại nơi quê người
02 | 04 | 2018
Trung Quốc đang đưa ra những tuyên bố đầy ấn tượng về cải thiện ngành thủy sản nội địa. Nhưng Trung Quốc có vẻ ít quan tâm hơn tới hoạt động khai thác bền vững của các đội tàu khai thác xa bờ của chính họ, vốn đang gây ra những thiệt hại trên phạm vi toàn cầu.

Trong nước, Trung Quốc đã triển khai trừng phạt nghiêm ngặt khai thác thủy sản quá mức trong vài năm qua, bao gồm các chính sách kiên quyết về kiểm tra hàng năm trong ngành khai thác thủy sản. Nước này tuyên bố thành công trong các nỗ lực làm hồi sinh các nguồn lợi thủy sản nội địa bị cạn kiệt nghiêm trọng. Theo tuyên bố của ông Zhang Xian Liang, lãnh đạo Cơ quan quản lý thủy sản tại Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, “mật độ thủy sản” tăng mạnh. Văn phòng của ông Zhang chia sẻ dữ liệu về “mật độ thủy sản” với một số nhóm chính sách nội địa trong 2 tháng vừa qua, cho thấy trong năm 2017, mật độ thủy sản tại Yellow Sea tăng tới 350%, khu vực vịnh Bohai cũng tăng 190% và biển Đông – khu vực Trung Quốc tuyến bố chủ quyền ở một số khu vực – có mật độ thủy sản tăng 70%.

Trong các hoạt động kiểm tra hàng năm, các nhà chức trách Trung Quốc đã tịch thu 7.000 tàu và thu giữ 400.000 lưới đánh cá. Chiến dịch năm 2017 có tên “Thanh gươm chớp” (tên tiếng Anh Flashing Sword) dẫn tới 10.343 vụ bắt giữ và 1.369 người bị mang đến vành móng ngựa do vi phạm các quy định liên quan đến khai thác thủy sản. Một chiến dịch riêng lẻ khác kết hợp với cơ chế nhà nước nhằm giảm quy mô các đội tàu lưới rê tại các vùng nước nội địa đã dẫn đến 16.000 cuộc kiểm tra tổng cộng 1.709 bến tàu và 20.000 tàu để đảm bảo các cơ sở hạ tầng và thiết bị này được tháo dỡ hoặc chuyển đổi công năng.

Tinh thần “dọn dẹp” này đã không được Trung Quốc mang ra áp dụng đối với sự hiện diện trong ngành khai thác thủy sản quốc tế. Hơn thế, ưu tiên của Trung Quốc là tìm kiếm vị thế thượng phong trong các vùng khai thác thủy sản quốc tế trước khi xét đến bất cứ các hoạt động liên quan đến  bảo tồn và khôi phục nguồn lợi mà chính nước này đang triển khai trong nước.

Trung Quốc cũng rất nhạy cảm với các cáo buộc như vậy và văn phòng của ông Zhang tuyên bố chỉ có 1.329 tàu Trung Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, chiếm 6% tổng số tàu khai thác trên thế giới; đồng thời cho biết thêm đội tàu Trung Quốc tổng cộng khai thác được 1,32 triệu tấn thủy sản trong năm 2017 và chiếm chỉ 12% tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu. Tuy nhiên, văn phòng của ông Zhang không cho biết chi tiết tổng công suất khai thác của đội tàu này.

Nhóm hoạt động môi trường Greenpeace có những ước tính khác về tác động tới khai thác thủy sản của đội tàu Trung Quốc. Tổ chức phi lợi nhuận này ước tính có khoảng 2.500 tàu khai thác thủy sản Trung Quốc đang hoạt động tại các vùng nước quốc tế, là đội tàu lớn nhất của một quốc gia tính tới thời điểm này. Theo dữ liệu thu thập bởi Global Fishing Watch, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các hoạt động khai thác thủy sản toàn cầu, các tàu khai thác thủy sản Trung Quốc đã có 17 triệu giờ hoạt động trên các vùng nước quốc tế trong năm 2016. Đứng vị trí thứ hai là Đài Loan với 2,2 triệu giờ và Global Fishing Watch cho rằng tổng cộng giờ khai thác thủy sản của Trung Quốc chắc chắn vượt qua tổng số giờ khai thác thủy sản của top 10 nước trong cùng danh sách.

Nghiên cứu của Global Fishing Watch tiến hành trong vòng 5 năm các hoạt động theo dõi tàu bằng vệ tinh, vừa có bài viết trên tạp chí Science nhưng số liệu này không được công bố rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc. Sức mạnh và khả năng cạnh tranh của đội tàu khai thác thủy sản quốc tế của Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm của cái gọi là “Great Ocean Power” (Sức mạnh biển lớn) – vị thế tự định của Trung Quốc – và thành công của kế hoạch Một vành đai, Một con đường mà Trung Quốc đang hết sức cổ xúy nhằm nâng cao thương mại quốc tế.

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố cho biết  số lượng tàu khai thác thủy sản quốc tế của Trung Quốc tăng 66% trong giai đoạn 2011-16 và công suất khai thác tăng 78% trong cùng kỳ xem xét.

Tại hội nghị Tổ chức Thương mại Thế giới tổ chức tại Buenos Aires, Argentina vào tháng 12/2017, Trung Quốc cho biết nước này sẽ giới hạn số lượng tàu ở mức tương đương số lượng tàu năm 2016, vào khoảng 3.000 tàu. Nhưng chính sách này không ảnh hưởng gì tới viẹc đội tàu khai thác thủy sản của Trung Quốc tăng cường hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong khai thác thủy sản quốc tế. Các văn bản do văn phòng thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp nước này cho biết mục tiêu tăng hiệu quả khai thác sẽ thông qua chính sách trợ cấp nhiên liệu, thường là căn nguyên của sự khác biệt giữa các chuyến khai thác có lợi nhuận hay không có lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác thủy sản lớn của Trung Quốc – rất nhiều trong số này không thể tồn tại nếu thiếu các khoản trợ cấp nhiên liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc.

Trong các tuyên bố bào chữa, Trung Quốc cho rằng họ chỉ là những người mới đến trong ngành khai thác thủy sản quốc tế. Nhưng mới đến hay không, Trung Quốc cũng đang có tác động cực lớn tới khai thác thủy sản thế giới, đặc biệt là tại các khu vực không có các đội khai thác thủy sản nội địa của nước có chủ quyền hoạt động. Nhiều ngư dân địa phương các nước đang bị vắt kiện các nguồn sinh kế bởi hoạt động khai thác của đội tàu Trung Quốc. Và Trung Quốc đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu.

Với những cải cách ngành thủy sản mà Trung Quốc đang tiến hành tại quê nhà, rõ ràng giới lãnh đạo của Trung Quốc ý thức rõ ràng về tác động của khai thác quá mức và đang triển khai các giải pháp có hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Nhưng vượt ra khỏi biên giới khu vực đặc quyền kinh tế của chính mình, giới lãnh đạo ngành thủy sản Trung Quốc rõ ràng không quan tâm tới sự cấp bách của hoạt động tương tự nhằm chống lại việc khai thác quá mức và không bền vững của chính các đội tàu nước này.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường