Báo cáo thực phẩm nhập khẩu vi phạm tháng 2/2018 cho thấy, Bộ Nông nghiệp Úc đã kiểm soát và xác định những lô hàng thực phẩm có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng. Những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.
Cụ thể, khi kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp Úc đã phát hiện hai lô hàng thực phẩm của Việt Nam là tôm cuộn đông lạnh và tôm nấu chín có chứa các vi sinh vật hiếu khí.
Kiểm tra hoá chất, chất gây ô nhiễm và độc tố toxin, Bộ Nông nghiệp Úc cũng phát hiện 2 lô hàng của Việt Nam là cá thu muối trong dầu đậu nành và cá thu ngâm trong dầu đậu tương có chứa chất Histamine, một hợp chất được hình thành trong quá trình ôi, ươn của thịt cá.
Histamine là một amin sinh học có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu chín histamine vẫn không bị phá hủy. Khi hàm lượng Histamine trong thức ăn quá cao hoặc enzym phân hủy Histamine trong cơ thể bị ức chế thì Histamine sẽ gây độc cho cơ thể.
Ngộ độc Histamine thường xảy ra nhanh từ một đến vài giờ sau khi ăn. Thường với lượng ăn vào từ 8 - 40 mg histamine, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt, buồn nôn…; từ 1.500 - 4.000 mg, người ăn có biểu hiện như nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, co thắt khí quản, nổi ban mạch nhanh, hạ huyết áp do giãn mạch...
Cũng trong tháng 2/2018, Bộ Nông nghiệp Úc tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số lô hàng thực phẩm, Việt Nam có 2 trong số 16 trường hợp vi phạm, đó là lô ớt đỏ và thanh long.
Cụ thể, lô ớt đỏ của Việt Nam được xác định chứa một loạt chất cấm nguy hại đến sức khỏe bao gồm Carbendazim, Chlorpyrifos, Cyhalothrin, Difenoconazole, Metalaxyl, Profenofos và Propiconazole. Trong khi đó, lô thanh long bị phát hiện có chứa hoạt chất Carbendazim.
Ngày 24/8/2017, Úc chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào thị trường này. Vì vậy, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phối hợp với nông dân xây dựng vùng sản xuất an toàn theo đúng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu để tránh những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín trái cây Việt Nam mà chúng ta đã mất nhiều công gây dựng.
Không chỉ có một số lô thanh long xuất khẩu sang Úc bị phát hiện nhiễm Carbendazim, theo thông tin từ Hội Nuôi ong Việt Nam, vừa qua một số nhà nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ yêu cầu Hội Nuôi Ong VIệt Nam cảnh báo đến các công ty xuất khẩu mật ong Việt Nam về dư lượng của chất bảo vệ thực vật Carbendazim bị nhiễm trong một số lô mật ong khi tới cảng Hoa Kỳ.
Vì vậy trong thời gian sắp tới, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - (US FDA) và khách hàng sẽ tăng tần suất kiểm tra dư lượng chất bảo vệ thực vật này trong mật ong Việt Nam và bị trả lại nếu phát hiện.
Từ đó, Ban Chấp hành Hội Nuôi ong khuyến cáo các hội viên xuất khẩu cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng mật ong nói chung và tồn dư chất này đẻ tránh các tổn thất về uy tín và kinh tế nếu xảy ra.
Tại Mỹ, theo báo cáo thường niên của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ - (EPA), Carbendazim được xếp vào nhóm C, là các hoạt chất có khả năng gây ung thư. Chất này đã bị nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng.
Tại Úc, Carbendazim trước đây từng được sử dụng để kiểm soát một số bệnh trên đậu, trái cây, mắc ca, cỏ, đồng cỏ và cây cảnh; trong bảo quản thực phẩm sau thu hoạch, xử lý dịch hại trên gừng và mía trước khi trồng và diệt nấm trên gỗ. Tuy nhiên, từ năm 2010, Úc cấm sử dụng Carbendazim trên các loại cây ăn quả như táo, lê, cây ăn quả có múi.
Riêng tại Việt Nam, hoạt chất này bị đưa ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn cho phép các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Carbendazim tối đa 1 năm và được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày 3/1/2017./.
Theo KTNT