Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất tôm Ấn Độ, Thái Lan dự báo giảm, tồn kho tôm tại Mỹ bắt đầu thoát hàng
21 | 06 | 2018
Giám đốc điều hành Siam Canadian Jim Gulkin đã lắng nghe nhiều quan điểm khác nhau về triển vọng sản xuất tôm Ấn Độ năm 2018 trong chuyến đi gần đây tới nước này. Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn tôm đến năm 2020. Tuy nhiên, giá tôm tại Ấn Độ và nhiều nước sản xuất tôm khác đang tiếp tục giảm, phần lớn do tồn kho tôm tại Mỹ còn đang ở mức cao. Tuy nhiên, ông Gulkin cho biết tồn kho tôm tại Mỹ cũng bắt đầu giảm và giá tôm đang bắt đầu phục hồi từ mức thấp.

Theo thông tin chính thống, sản xuất tôm Ấn Độ niên vụ 2016/17 đạt khoảng 600.000 tấn, bao gồm 553.000 tấn tôm thẻ và 47.100 tấn tôm sú. Mục tiêu của nước này là tăng sản xuất tôm trong năm 2018, với dự báo đưa ra trong Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) hồi tháng 1 vừa qua là 697.000 tấn trong niên vụ 2018/19. Tuy nhiên, giá thấp sẽ có tác động tới triển vọng sản xuất. “Vấn đề chính nằm ở Ấn Độ và có bao nhiêu nông dân sẽ treo eo hay giảm thả nuôi do giá thấp. Tôi đã ở Ấn Độ trong tuần vừa qua và nghe nhiều ý kiến khác nhau”, ông Gulkin cho hay. “Tuy nhiên, sự đồng thuận lớn nhất là sản xuất tôm Ấn Độ sẽ giảm do hiện có quá nhiều nông dân đang thua lỗ. Có một luồng ý kiến thiểu số cho rằng nhiều nông dân sẽ thả nuôi trở lại”.

Sản lượng tôm Ấn Độ giảm và nhu cầu của các nhà chế biến đóng gói vẫn ở mức cao, ông Gulkin cho hay. “Bất chấp tình hình hiện nay, các nhà chế biến đóng gói tôm Ấn Độ vẫn còn nhiều đơn hàng xuất sang Mỹ và họ sẽ bận rộn hoạt động từ nay đến tháng 9”, ông Gulkin phát biểu. “Do đó, nếu sản lượng tăng thì bất cứ diễn biến giảm giá nào cũng sẽ được giảm thiểu nhờ nhu cầu và tôi chắc chắn rằng nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ khá căng thẳng, có khả năng nhiều đơn hàng của các nhà chế biến đóng gói tôm Ấn Độ phải giao trễ và họ sẽ bận rộn suốt từ nay đến tháng 10”, ông Gulkin cho hay.

Sau yếu tố sản xuất tại Ấn Độ, yếu tố lớn thứ hai trong thực trạng thị trường hiện nay là cần phải xả kho tôm tại Mỹ. “Quá trình giải phóng tồn kho tôm tại Mỹ đang diễn ra và có vẻ tồn kho tôm tại đây đang dịch chuyển dọc hệ thống cung ứng. Tồn kho tôm tại Mỹ cao là thắt nút cổ chai và là yếu tố lớn duy nhất trên thị trường khiến giá tôm đi xuống”, ông Gulkin phân tích.

Mỹ đang nhập khẩu một lượng tôm lớn từ đầu năm đến nay, nhưng tăng trưởng nhập khẩu tôm giảm trong tháng 4/2018 so với cùng kỳ năm 2017, cho thấy thị trường đang yếu đi. Doanh số thị trường Mỹ bắt đầu tăng trong 2 tuần qua, ông Gulkin cho biết. “Giả định rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn – và không có lý do gì để giả định là không, nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái tốt, mùa hè đang bắt đầu nên nhiều nhà nhậu khẩu sẽ tìm nguồn cung tôm trong 4 – 6 tuần tới. Diễn biến này sẽ càng gia tăng áp lực lên giá tôm nguyên liệu”.

Tuy nhiên, ông Gulkin cho rằng ông không dự báo giá tôm tăng mạnh trong năm 2018. “Tôi tin rằng đáy của thị trường tôm đã qua. Giá tôm sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong mùa hè và duy trì đi ngang về nửa cuối năm”.

Sản lượng tôm Thái Lan dự báo giảm

Tâm lý lạc quan tại Thái Lan trong năm 2017 với ước tính sản lượng tôm năm 2018 có thể đạt 300.000 tấn. Tại hội thảo GSMC, triển vọng sản lượng tôm năm 2018 của Thái Lan lên tới 345.000 tấn. Tuy nhiên, nhiều thông tin tại triển lãm Thaifex – World of Food Asia gần đây cho thấy sản lượng tôm Thái Lan có thể giảm. “Sản xuất tôm Thái Lan chắc chắn không tăng so với năm 2017 và thậm chí có thể giảm do nhiều nông dân hiện đang thua lỗ. Do đó, Thái Lan sẽ bị suy yếu vị thế thị trường trong năm 2018”, ông Gulkin nhận định.

Đối với Indonesia, ông Gulkin cho rằng sản lượng tôm sẽ “đủ, thậm chí tăng tốt” nhưng đây không phải là nhận định gây ngạc nhiên. Tại GSMC, phiên thảo luận về thị trường tôm dự báo sản lượng tôm của Indonesia năm 2018 đạt 335.000 tấn, tăng từ mức 305.000 tấn trong năm 2017. “Nông dân Indonesia đang trong trạng thái sản xuất tốt. Không quá xuất sắc nhưng trong phần lớn trường hợp, sản xuất kinh doanh đủ tốt để họ tiếp tục. Tôi tin rằng nhiều hồ nuôi đã thu hoạch hết. Kỳ nghỉ lễ Ramadan đang diễn rra và giá tôm tại Indonesia dự báo tăng khi các nhà chế biến quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong tuần này và tuần tới”, ông Gulkin cho hay.

Tại Việt Nam, sản lượng tôm được dự báo giảm phần nào so với năm 2017. “Nông dân Việt Nam thường có chi phí sản xuất cao hơn tại Ấn Độ và Indonesia nên họ đang gặp áp lực về lợi nhuận”. Tại GSMC, triển vọng sản lượng tôm Việt Nam năm 2018 ở mức 470.000 tấn, tăng từ mức 415.000 tấn trong năm 2017. Trong khi sản xuất tôm năm 2016 của Việt Nam chỉ đạt 230.000 tấn”.

Theo Undercurrent News (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường