“Các nhà xuất khẩu nông sản Úc sang thị trường Ấn Độ đang gặp hàng loạt khó khăn do các chính sách gây bóp méo thương mại mới trong năm vừa qua”, ông Ciobo phát biểu trong một hội thảo ngành ngũ cốc tại Melbourne. “Các chính sách này bao gồm tăng thuế đối với đậu gà, lúa mì và đậu lăng, các hạn chế định lượng với đậu xanh và đậu vàng và những gì chúng ta xem là chính sách trợ cấp cho ngành mía đường”.
Nhập khẩu các loại đậu của Ấn Độ – nước nhập khẩu đậu lớn nhất thế giới – có thể giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ sau khi chính phủ nước này tăng thuế nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu để đẩy giá đậu lăng nội địa tăng, tác động tới hoạt động sản xuất của các nhà cung cấp đậu lăng quốc tế. Úc xuất khẩu 964 triệu USD nông sản sang Trung Quốc trong năm tài khóa 2015/16, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Ngoại giao và Ngoại thương. Định hướng giảm nhập khẩu cho thấy các bước triển khai của New Delhi nhằm tăng giá đậu, bao gồm đậu gà và đậu lăng, đồng thời với việc chính phủ nước này tìm cách giảm mức trợ cấp cho nông dân theo chương trình trợ cấp thực phẩm. Nông dân tại Canada, Úc và Nga phục thuộc vào nhu cầu từ Ấn Độ được cho là sẽ phải giảm sản xuất đậu và tìm kiếm các thị trường khác.
Ông Ciobo cho biết Úc đang tìm cách thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do song phương hoặc thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện với Ấn Độ. “Không may là các đàm phán này đang bị ngưng trệ bởi các điều kiện của hai bên quá cách biệt. Chính phủ Úc đang tìm cách ngoài các thỏa thuận thương mại để mở rộng quan hệ kinh tế song phương”.
Liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, ông Ciobo cho biết ông đang tìm cách để biết thêm thông tin chi tiết về gói hỗ trợ mà chính phủ Mỹ dự kiến triển khai cho nông dân trồng đậu tương. “Tôi muốn biết thêm về thông báo chính sách hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD dành cho nông dân Mỹ để đánh giá các tác động đối với nông dân Úc và xuất khẩu hàng hóa”.
Trung Quốc đã áp thuế trả đũa lên đậu tương Mỹ giữa tình hình cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới và đang tìm các nguồn đậu tương thay thế, bao gồm Brazil.
Theo Reuters (gappingworld.com)