Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp Trung Quốc sẽ bị tác động ra sao trước cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không ngừng leo thang?
17 | 07 | 2018
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc sẽ là một vấn đề lâu dài, có thể tồn tại hàng thập kỷ. Trong khi các tác động ngắn hạn của cuộc chiến thương mại này có thể tiêu cực và khốc liệt, cuộc khủng hoảng nào cũng tạo nên những cơ hội, như cải thiện năng suất của nền tảng nông nghiệp nội địa của Trung Quốc và tăng hội nhập với phần còn lại của thế giới. Hướng này sẽ đưa ngành nông nghiệp Trung Quốc tới gần hơn với các mục tiêu dài hạn về an ninh lương thực, tính bền vững và tự cung tự cấp.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc được cho là sẽ liên tục và kéo dài

Ngày 15/6, Mỹ công bố danh sách 1.102 hàng hóa Trung Quốc, trị giá 50 tỷ USD, sẽ là đối tượng chịu áp mức thuế 25% do cáo buộc vi phạm tài sản trí tuệ. Phần lớn các hàng hóa này đều nằm trong chính sách quốc gia ‘Made in China 2025’, bao gồm máy bay, robot, máy móc công nghiệp, vật liệu mới và các bộ phận xe hơi. Một phần trong gói hàng hóa này, trị giá 34 tỷ USD, sẽ có hiệu lực thuế từ ngày 6/7 và gói hàng hóa 16 tỷ USD còn lại hiện trong thời gian rà soát và lấy ý kiến công luận.

Không đáng ngạc nhiên, chính phủ của ông Trump đã liên tục leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc và châm ngòi cho giai đoạn ăn miếng trả miếng với chính phủ Trung Quốc. Chỉ vài giờ sau thông báo từ phía Mỹ, Trung Quốc thông báo mức thúe 25% lên 545 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và hàng loạt hàng hóa nông sản sẽ bắt đầu chịu mức thuế 25% từ ngày 6/7. Thời hạn triển khai thuế đối với các hàng hóa khác từ Mỹ, bao gồm hóa chất, thiết bị y tế và hàng hóa năng lượng, hiện vẫn chưa rõ.

Ngày 18/6, chính phủ Mỹ phản ứng lại đòn trả đũa của Trung Quốc bằng cách chỉ đạo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xây dựng danh sách hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc để áp thuế 10%, càng làm căng thẳng thêm cuộc chiến thương mại này. Ngoài ra, tổng thống Donald Trump cũng đe dọa theo đuổi áp thuế thêm gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD khác nếu Trung Quốc tiếp tục đáp trả.

Trong khi các tranh chấp thương mại liên tục được đưa tin rầm rộ trong những tuần gần đây, sự cạnh tranh mang tính chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất vượt lên bản chất thương mại và nghiêng về một phạm trụ lớn hơn, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, kinh tế, địa chính trị, hệ tư tưởng, các hệ thống luật pháp và quân sự. Bất kể Trung Quốc nỗ lực tránh “bẫy Thucydides” – khi một quyền lực chính trị trở nên quá lớn để một cường quốc lâu năm có thể bỏ qua – xung đột Mỹ – Trung Quốc đã dần leo thang trong một thời gian dài và sẽ là một vấn đề dài hạn trong thời gian tới. Rabobank nhận định cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra liên tục, kéo dài, có thể trong vài thập kỷ, cùng với các cuộc đàm phán mang tính chiến thuận và những thỏa hiệp tạm thời.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô và chiến lược

Rabobank vừa công bố nghiên cứu tính toán thiệt hại kinh tế có thể xảy ra nếu cả Mỹ và Trung Quốc áp thuế 25% lên các gói hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của nhau. Các kết quả nhỏ bé đến đáng ngạc nhiên, với chỉ khoảng 0,1 – 0,2 điểm phần trăm bị thiệt hại trong tăng trưởng GDP mỗi nước, phần lớn bởi cả hai nền kinh tế đều quá lớn và thương mại chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản phẩm quốc nội của họ.

Tuy nhiên, thiệt hại tăng dần với mỗi tuyên bố thuế. Chẳng cần đến một mô hình để hiểu rằng việc Mỹ áp thuế 25% và 10% lên gói hàng hóa trị giá 450 tỷ USD sẽ gây thiệt hại lớn cho thương mại quốc tế: đến một mức độ nào đó, xung đột này sẽ đại diện cho một sự đổ vỡ trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng những gì đáng lo ngai hơn từ góc nhìn chiến lược là hiện chúng ta đang sống trong một thế giới mà kinh tế ngắn hạn và logic thị trường chỉ là một ưu tiên thứ yếu. Tình trạng này ngày càng giống như một cuộc tranh đấu giữa Mỹ và Trung Quốc xem quyền lực tương quan giữa mối nước ra sao, và ai sẽ đứng ở vị trí lãnh đạo thế giới tiến về tương lai. Nếu đúng như vậy, tiến trình leo thang thương mại có thể sẽ tăng dần và dưới nheièu hình thức khác nhau, từ các chính sách chống lại doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, tới tẩy chay dịch vụ/du lịch, giảm giá đồng NDT và thậm chí tăng căng thẳng địa chính trị.

Các tác động ngắn hạn và dài hạn lên ngành nông nghiệp Trung Quốc

Bản chất hỗn loạn và khó lường của quan hệ thương mại Mỹ – Trung Quốc có tác động liên tục lên nhiều ngành sản xuất tại Trung Quốc. Nông nghiệp là một trong những ngành đầu tiên cảm nhận thấy tác động bởi nôgn nghiệp là một trong số ít ngành Mỹ có thặng dư thương mại với Trung Quốc. Năm 2017, nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc (130 tỷ USD). Theo thông báo gần đây, hàng loạt hàng hóa nông sản Mỹ sẽ là đối tượng chịu thuế 25%, chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7, bao gồm các loại ngũ cốc và hạt có dầu, protein động vật, và các sản phẩm sữa, cũng như các hàng hóa nông sản khác và thực phẩm chế biến. Trong khi các tranh chấp thương mại giữa hai nước sẽ có tác động nghiêm trọng lên nông dân Mỹ, các diễn biến này cũng sẽ có tác động lên ngành nông nghiệp Trung Quốc trong ngắn hạn.

Các tác động ngắn hạn

Các tác động ngắn hạn

Các tác động ngắn hạn lên thị trường Trung Quốc có vẻ khá trực diện. Thuế cao lên hàng hóa nông sản Mỹ sẽ làm chậm xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc, tăng nhập khẩu của Trung Quốc từ các nguồn thay thế, và gây ra biến động giá của các hàng hóa bị ảnh hưởng tại Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới. Rủi ro thị trường sẽ tăng mạnh.

Các loại ngũ cốc và hạt có dầu: đậu tương

Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 12,9 tỷ USD đậu tương Mỹ, khiến hàng hóa này dễ trở thành đối tượng trả đũa.  Nhưng thương mại đậu tương cũng hết sức quan trọng đối với Trung Quốc do 90% tiêu dùng đậu tương tại nước này phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Mỹ là một nhà cung cấp không thể thay thế, chiếm thị phần từ 30 – 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc, chỉ đứng sau Brazil.

Nguồn cung đậu tương có thể sẽ chưa phải là vấn đề lớn cho tới tháng 8, tháng 9 – giai đoạn xuất khẩu chủ yếu của đậu tương Nam Mỹ. Bất chấp sản xuất thất bát của ngành đậu tương Argentina, sản xuất bội thu tại Brazil sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm 2017/18.

Tuy nhiên, sang đến năm 2018/19, Trung Quốc sẽ sớm đối mặt với thiếu hụt nguồn cung khi mùa xuất khẩu đậu tương của Brazil đóng lại và mùa xuất khẩu đậu tương Bắc Mỹ bắt đầu. Trung Quốc có thể sẽ phải tăng nhập khẩu đậu tương hoặc các loại hạt có dầu khác làm nguyên liệu thay thế. Tuy nhiên, nguồn cung của các loại hạt có dầu khác tương đối nhỏ, khó lòng thay thế khoảng trống để lại do chính sách thuế nhập khẩu đậu tương. Rabobank dự báo tổng lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ giảm, với thị phần của Brazil sẽ tăng lên trong niên vụ 2018/19, và những nhà chế biến đậu tương Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác là mua 10 – 15 triệu đậu tương Mỹ, chấp nhận chịu thuế nhập khẩu.

Giá đậu tương Mỹ dự báo sẽ giảm giá so với đậu tương từ các nhà xuất khẩu khác nên mặc dù đã chịu thêm mức thuế 25% nhưng giá đậu tương Mỹ sẽ không cao hơn tới 25% so với giá đậu tương từ các nước khác. Dù vậy, chính sách này vẫn có hiệu lực và giá đậu tương tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng. Do các nhà chế biến đậu tương không thể đẩy toàn bộ chi phí gia tăng về phía người tiêu dùng cuối cùng, ít nhất là trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của họ dự báo sẽ giảm. Bên cạnh đó, công suất hoạt động thực tế của họ dự báo giảm, sẽ càng làm trầm trọng hơn mức giảm của biên lợi nhuận.

Trong dài hạn, nếu chính sách thuế này tồn tại, nguồn cung đậu tương toàn cầu sẽ có thẻ điều chỉnh theo tình hình. Diện tích đậu tương mỹ sẽ giảm trong khi diện tích đậu tương tại Nam Mỹ sẽ tăng lên. Tại Bắc bán cầu, khu vực biển Đen cũng có khả năng tăng diện tích trồng đậu tương. Đối với Trung Quốc, thương mại hóa sản xuất đậu tương biến đổi gene có thể là một lựa chọn để thúc đẩy sản xuất nội địa và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Nếu chính sách thuế này duy trì trong nhiều năm, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ giảm, do:

  • Sản xuất đậu tương nội địa tăng lên;
  • Tăng nhập khẩu các hạt có dầu và bột hạt có dầu cung cấp protein khác;
  • Cải tiến hệ số chuyển đổi thưc săn, dẫn đến sử dụng TACN giảm đi.

Các loại ngũ cốc và hạt có dầu: ngô, lúa mỳ và lúa gạo

Trung Quốc tự cung tự cấp khá tốt các loại ngũ cốc chính, với lượng thương mại hạn chế. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 0,76 triệu tấn ngô, 1,54 triệu tấn lúa mỳ và rất ít gạo từ Mỹ. Do đó, nguồn cung các loại ngũ cốc Mỹ này tại Trung Quốc dễ dàng được thay thế bởi các nước xuất khẩu khác.

Nhập khẩu ngô, lúa mỳ và lúa gạo của Trung Quốc là đối tượng của chính sách hạn ngạch thuế nhập khẩu (TRQ), với thuế trong hạn ngạch chỉ ở mức 1% nhưng thuế ngoài hạn ngạch lên đến 65%. Tất cả các hồ sơ đăng ký theo hạn ngạch phải được chính phủ Trung Quốc phê duyệt và nhập khẩu ngũ cốc Mỹ có thể phải đối mặt với các rào sản phi thuế. Bên cạnh đó, việc áp thuế bổ sung 25% sẽ làm giảm mạnh khả năng cạnh tranh của ngũ cốc Mỹ so với các nước xuất khẩu khác sang thị trường Trung Quốc

Các loại ngũ cốc và hạt có dầu: Hạt kê

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hạt kê lớn nhất của Mỹ. 60% tổng sản lượng hạt kê của Mỹ được xuất khẩu và phần lớn trong số này đến thị trường Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 4,8 triệu tấn hạt kê Mỹ, chiếm hơn 95% tổng kim ngạch nhập khẩu hạt kê của Trung Quốc. Nhập khẩu hạt kê Mỹ chủ yếu được dùng để thay thế cho ngô làm TACN. Do Trung Quốc sản xuất hơn 200 triệu tấn ngô hàng năm và dự trữ chính phủ vẫn còn một lượng tồn kho lớn, giảm nhập khẩu hạt kê cũng sẽ chỉ tác động nhỏ lên giá TACN tại Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng các chính sách nộp dự phòng thuế chống bán phá giá đối với hạt kê Mỹ từ tháng 4, tương đương mức thuế tạm thời lên tới 178,6%. 1 tháng sau đó, Trung Quốc thu hồi quyết định này như một dấu hiệu cho các cuộc đàm phán sắp tới và để giải quyết căng thưangr thương mại với Mỹ. Nếu một cuộc chiến thương mại toàn diện diễn ra, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại chính sách thuế chống bán phá giá và phí dự phòng này.

Protein động vật

Trung Quốc đã áp thuế 25% đối với thịt lợn Mỹ ngay trong vòng đối đầu đầu tiên, có hiệu lực từ ngày 2/4 để trả đũa cho chính sách thuế của Mỹ đối với thép và nhôm. Từ đó, thương mại thịt lợn từ Mỹ sang Trung Quốc giảm dần. Thịt lợn tiếp tục xuất hiện trong danh sách hàng hóa áp thuế bổ sung 25% mà Trung Quốc công bố ngày 15/6. Thị trường thịt lợn Trung Quốc đang trong chu kỳ giảm do dư cung và giá thấp. Điều này nghĩ là nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc trở ên khó khăn hơn do nguồn cung thịt lợn nội địa trở nên cạnh tranh hơn.

Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc dự báo giảm mạnh khi chính sách áp thuế bổ sung 25% có hiệu lực. EU, Canada, và Brazil sẽ thế chân thịt lợn Mỹ trên thị trường Trung Quốc. Tác động trực tiếp của các chính sách thuế mới lên thị trường thịt lợn Trung Quốc có thể đối phó được nhờ nguồn cung thịt lợn nội địa năm 2018 đầy đủ. Nhưng tác động lớn hơn sẽ đến từ tăng thuế đối với đậu tương. Giá đậu tương và bột đậu tương dự báo tăng, sẽ dẫn đến bất ổn giá ngũ cốc làm TACN và hệ quả là bất ổn giá trong ngành chăn nuôi lợn và gia cầm. Tình trạng này sẽ đẩy nông dân sản xuất nhỏ sớm từ bỏ thị trường do gặp áp lực thua lỗ trong nhiều tháng.

Ngoài ra, whey, một nguyên liệu quan trọng trong thức ăn chăn nuôi lợn, là một trong những sản phẩm từ sữa bị áp thuế 25%. Do nguồn cung whey của Mỹ chiếm hơn 50% tổng nhập khẩu của Trung Quốc, áp lực tăng giá sẽ khiến chăn nuôi lợn càng giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong ngắn hạn, giá thịt lợn có thể có xu hướng giảm do nguồn cung có thể tăng. Nhưng công nghiệp hóa hoạt động chăn nuôi lợn đang diễn ra nhanh hơn. Hơn nữa, diễn biến chu kỳ của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc có thể thay đổi và tình trạng suy yếu hiện tại có thể kết thúc nhanh hơn dự báo. Các doanh nghiệp đầu ngành và các nông dân chuyên nghiệp vượt qua sóng gió năm 2018 sẽ có nhiều cơ hội thị trường trong tương lai.

Nhập khẩu thịt bò Mỹ của Trung Quốc đã chậm lại sau khi Mỹ dành lại được quyền tiếp cận thị trường vào năm 2017. Do đó, thuế 25% đối với thịt bò Mỹ được cho là không tác động nhiều tới luồng thương mại hiện nay, mặc dù Úc và New Zealand sẽ được hưởng lợi chút ít từ tăng xuất khẩu thịt bò cao cấp sang Trung Quốc.

Ngành chăn nuôi gia cầm Trung Quốc đang trên đà phục hồi từ đầu năm 2018. Giá TACN dự báo bất ổn sẽ làm giảm biên lợi nhuận của các nhà chăn nuôi gia cầm Trung Quốc.

Về thủy sản, Mỹ là nước cung cấp thủy sản lớn thứ hai của Trung Quốc nên việc áp thuế bổ sung sẽ có thể tác động tới luồng thương mại thủy sản. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc trước đó đã thông báo giảm thuế nhập khẩu đối với các thủy sản khai thác và nuôi trồng, từ 15,9% xuống 7,1% có hiệu lực từ ngày 1/7, sẽ làm hạn chế tác động.

Sữa

Mỹ chỉ chiếm 12% tổng kim ngạch nhập khẩu sữa của Trung Quốc, tính theo tương đương sữa nước, thua xa nhà cung cấp sữa hàng đầu cho Trung Quốc là New Zealand. Các chính sách thuế trả đũa mới nhất của Trung Quốc đã lan sang các sản phẩm sữa, có mã HS từ 0401 – 0406, với mức thuế bổ sung 25%.

Trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là whey, mà Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu gần 530.000 tấn whey, trong đó Mỹ đóng góp 55%, theo sau là EU với 35%. Do Trung Quốc phụ thuộc gần nh ưhoàn toàn vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa đối với whey, không nhà cung cấp nào khác có thể lấp đầy khoảng trống. Do đó, chính sách thuế này có thể sẽ là gánh nặng cho cả các nhà xuất khẩu whey Mỹ và ngành chăn nuôi Trung Quốc – một trong những ngành tiêu dùng whey lớn, sẽ phải gánh vác cùng nhau.

Nếu chính sách thuế mang tính trừng phạt có hiệu lực từ ngày 6/7, biên bản ghi nhớ ký kết năm 2017 giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến mở rộng xuất khẩu các sản phẩm sữa Mỹ sang Trung Quốc có thể sẽ bị “bỏ xó”. CÁc nhà máy sữa bột nguyên kem (WMP) mới tại Mỹ nhắm tới thị trường Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với các thách thức về công suất hoạt động và có thể phải tìm kiếm các thị trường khác.

Gói chính sách thuế mới nhất của Trung Quốc còn bao gồm thuế bổ sung 25% đối với cỏ linh lăng Mỹ. Mỹ cho tới nay là nước cung cấp cỏ linh lăng lớn nhất của Trung Quốc và cỏ linh lăng Mỹ chiếm 94% tổng nhập khẩu cỏ linh lăng của Trung Quốc trong năm 2017, đạt hơn 1,3 triệu tấn, chủ yếu sử dụng trong các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn. Chất lượng cỏ linh lăng Mỹ được cho là vượt trội so với các nước khác. Trung Quốc hiện đã tự cung tự cấp được 60% cỏ linh lăng chất lượng cao. Trong ngắn hạn, các chính sách thuế này sẽ tác động tiêu cực lên các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của Trung Quốc khi làm tăng khoảng 3 – 4% tổng chi phí sản xuất.

Các tác động dài hạn

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc được cho là sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc các cải cách kinh tế cần thiết để giải quyết các vấn đề quan trọng và phát triển bền vững hơn. Để đạt mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp Trung Quốc, như đảm bảo nguồn cung thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc theo cách hiệu quả và bền vững, Rabobank cho rằng Trung Quốc cần dành thêm nguồn lực và sự cố gắng vào các hoạt động như:

Cải thiện năng suất ngành nông nghiệp Trung Quốc thông qua:

  • Tăng cường R&D và tăng tốc thương mại hóa giống cây trồng (cả GMO và non-GMO), giống vật nuôi, dinh dưỡng vật nuôi và đặc biệt là các nguồn protein thay thế để tăng hiệu quả và cải thiện chất lượng;
  • Giảm thất thoát sau thu hoạch thông qua các biện pháp canh tác tốt, cải thiện logistics và các vân đề khác;
  • Phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo khu vực nông thôn theo nhu cầu của chính nông dân Trung Quốc.

Hội nhập tốt hơn với phần còn lại của thế giới

  • Đầu tư vào các tài sản logistics và nguồn gốc xuất xứ nước ngoài tại các nước sản xuất nông nghiệp hàng dầu thế giới, có tiềm năng lớn, đặc biệt là Nam Mỹ và biển Đen;
  • Mở rộng cửa hơn cho đầu tư nước ngoài để giúp phát triển kinh tế bền vững hơn;
  • Đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng NDT, cho phép đồng NDT đóng vai trò quan trọng hơn trong giao dịch nông sản toàn cầu.

Theo Rabobank (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường