Chỉ vài giờ sau thời hạn áp thuế của Washington có hẹu lực, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục đe dọa đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ nhắm vào gói hàng hóa Trun gQuốc trị giá 500 tỷ USD, tức gần bằng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ trong năm 2017. Bộ Thương mại Trung Quốc, trong một thông báo ngay sau khi chính sách thuế của Mỹ chính thức có hiệu lực, cho biết hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc, bao gồm xe hơi, đậu tương và tôm hùm cũng đối diện mức thuế 25%.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ không ủng hộ các động thái của tổng thống . “Thuế không chỉ gây thiệt hại cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi và các nhà sản xuất máy bay, mà còn gây hại cho toàn bộ người tiêu dùng Mỹ. Chúng ta nên hợp tác với các đồng minh để cô lập Trung Quốc thay vì leo thang một cuộc chiến thương mại”, theo thượng nghị sỹ Jerry Moran, đại diện cho bang Kansas.
Giá bột đậu tương tương lai của Trung Quốc giảm hơn 2% trong ngày 6/7, trước khi phục hồi một phần, trong bối cảnh thị trường còn chưa rõ về liệu Trung Quốc có thực sự áp mức thuế 25% đối với đậu tương hay không. Nhưng vào cuối ngày, Trung Quốc xác nhận triển khai áp thuế đối với đậu tương. “Chúng ta có thể nói rằng cuộc chiến thương mại này đã chính thức bắt đầu”, theo giáo sư kinh tế học ứng dụng Chen Feixiang của Antai College of Economics and Management. “Nếu cuộc chiến kết thúc ở mốc này, thì cuộc chiến này sẽ chỉ có tác động nhẹ tới cả hai nền kinh tế, nhưng nếu nó leo thang lên mức 500 tỷ USD như ông Trump tuyên bố thì sẽ có tác động lớn cho cả hai nước”.
Quan hệ của Mỹ với các đối tác thương mại lớn khác cũng ngày càng căng thẳng sau quyết định của chính phủ Trump hồi đầu năm áp thuế đối với thép và nhôm, bao gồm EU. Đồng thời, Washington cũng đang nỗ lực đàm phán lại Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vốn đã tồn tại 24 năm qua với Canada và Mexico.
Động thái từ cả hai nước trong ngày 6/7 đẩy cuộc chiến leo thang, sẽ gây thiệt hại cho thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời gây thiệt hại cho nông dân Mỹ và đang đẩy giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng. “Chiến tranh thương mại không bao giờ là giải pháp”, Thủ tướng Trung Quốc Lí Kahức Cường phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov trước cuộc họp câp cao với 16 nước Trung và Đông Âu. “Trung Quốc sẽ không bao giờ khơi mào một cuộc chiến thương mại nhưng nếu bất cứ bên nào châm ngòi, Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp đáp trả để bảo vệ các lợi ích phát triển”.
Hết ngày 6/7 vẫn không có dấu hiệu nào về đàm phán lại giữa Mỹ và Trung Quốc. “Dự báo cơ sở của chúng tôi chỉ giả định một đợt leo thang nhỏ “cuộc chiến” thương mại trong mùa hè 2018, nhưng không thể loại bro hoàn toàn khả năng một “cuộc chiến thương mại toàn diện, kéo theo suy thoái”, theo Bank of America Merrill Lynch nhận định.
Cuộc chiến này đang kéo các thị trường tài chính, bao gồm chứng khoán, tiền tệ và thương mại hàng hóa toàn cầu, từ đậu tương đến than đá, vào cuộc trong những tuần gần đây.
Theo dõi giá cả
Các nhà nhập khẩu hàng hóa bán lẻ tại Mỹ chịu tác động của chính sách thuế của Trung Quốc hiện đang lưỡng lự về quyết định đẩy chi phí này cho người tiêu dùng hay không.
Một phân tích về một nhóm các hàng hóa Mỹ cho thấy giá ít thay đổi vào ngày 6/7 so với hồi đầu tuần. Các sản phẩm này, cũng được bán trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc, bao gồm từ thực phẩm cho thú nuôi, hạt tổng hợp và rượu whiskey.
Trong khi đó, một số cảng tại Trung Quốc đang hoãn thông quan hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có chỉ đạo trực tiếp nào về việc giữ hàng, nhưng một số cơ quan hải quan vẫn chờ các hướng dẫn chính thức từ chính phủ trung ương về việc áp thuế.
“Băng đảng côn đồ”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi các chính sách thương mại và chính phủ của ông Trump là một “băng đảng côn đồ”, khi mà cuộc chiến thương mại ngày một leo thang lại chẳng được chú ý nhiều trên các phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, khi không nằm trong top 50 chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo – mạng xã hội giống như Twitter. Bộ Thương mại Trung Quốc gọi các hành động của Mỹ là “vi phạm các quy định thương mại thế giới” và “khởi động cuộc chiến thơng mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế”.
Ông Trump đã phát động cuộc chiến chống lại Bắc Kinh với cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và dựng lên các rào cản doanh nghiệp Mỹ làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc, cùng với khoản thâm hụt thương mại lên tới 375 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc. Ám chỉ tới khả năng tiếp tục trừng phạt hàng hóa Trung Quốc, ông Trump tuyên bố: “2 tuần nữa là gói hàng hóa 16 tỷ, sau đó thì có thể là 200 tỷ USD rồi 200 tỷ USD nữa”.
Một nhà tư vấn ngân hàng trung ương Trun gQuốc cho biết chính sách thuế mà Mỹ lên kế hoạch đối với gói hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc – hiện là gói 34 tỷ USD và sau đó là gói 16 tỷ USD – sẽ làm giảm 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, chính sách thuế của Trung Quốc đối với Mỹ đánh mạnh vào các hàng hóa nông sản như đậu tương, hạt kê và bông, đe dọa nông dân Mỹ tại các bang ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, như Texas và Iowa.
Theo Reuters (gappingworld.com)