Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2018 là Achentina, Hoa Kỳ, và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 31,7%, 16,7% và 13,3%. Các thị trường có giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Braxin (gấp hơn 4 lần), Hoa Kỳ (gấp 2,1 lần) và Trung Quốc (+50,6%). Ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng này giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 là Archentina (-25,9%) và Indonesia (-14,8%).
Ngô:
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 8/2018 đạt 585 nghìn tấn với giá trị đạt 126 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 6,03 triệu tấn và giá trị đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,1% về khối lượng và tăng 28,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 48,7% và 8,5% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2018 là thị trường Ấn Độ (gấp hơn 18,85 lần) và Achentina (+17,1%). Thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng ngô giảm mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan với mức giảm là 75,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Đậu tương:
Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 8/2018 đạt 191 nghìn tấn với giá trị 81 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,21 triệu tấn và 526 triệu USD, tăng 1,8% về khối lượng và tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Lúa mì:
Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 8/2018 đạt 297 nghìn tấn với giá trị đạt 68 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 3,39 triệu tấn và 806 triệu USD, tăng 0,3% về khối lượng và tăng 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 7 tháng đầu năm 2018 là Nga, Úc và Canada với thị phần lần lượt là 48,6%, 27,4% và 9,8%. Các thị trường có giá trị nhập khẩu lúa mì tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017 là Nga (gấp 31,9 lần ) và Hoa Kỳ (gấp 16,1 lần).
Sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu:
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8 ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị 39 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 1,67 triệu tấn và 633 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, mặc dù lượng sắn xuất khẩu sụt giảm mạnh so với năm 2017 nhưng giá sắn xuất khẩu trong nửa đầu năm 2017 lại tăng mạnh 48% so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 87,3% thị phần, giảm 27% về khối lượng nhưng tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam (FOB) trong tháng 8 tăng nhẹ 5$ lên 237 USD/tấn, giá tinh bột sắn xuất khẩu được chào giá ở mức 505 USD/tấn (tăng 5 USD so với tháng trước) sau khi Thái Lan này tăng nhẹ giá chào bán 5 USD lên 490 USD/tấn trong tháng 8. Giá sắn lát xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng nhẹ do ảnh hưởng từ bão số 4 khiến các tàu/đò chở tinh bột sắn từ miền Trung và miền Nam không ra được như dự kiến trong khi tồn kho tại Đông Hưng giảm mạnh, giá tinh bột sắn giao ngay tại Móng Cái tăng lên mức 3450 tệ/tấn (tăng 50 tệ/tấn). Tại Lạng Sơn, giá tinh bột sắn cao nhất đạt 3560 tệ/tấn. Sang tháng 9 dự báo do đồng nhân dân tệ biến động thất thường, cộng với giá sắn và tinh bột thành phẩm tại Tây Ninh không giảm như dự kiến nên các thương nhân giao dịch thận trọng, không đầu cơ như những năm trước. Thị trường sắn lát được dư báo sẽ diễn ra sôi động khi mà nhu cầu sử dụng sắn lát tăng trong tháng 9 do nhiều xưởng chế biến thực phẩm hoạt động trở lại phục vụ cho dịp tết trung thu. Ngoài ra, sự hoạt động trở lại của các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc cũng là yếu tố tích cực đóng góp và sự sôi động này.