Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điêu đứng hồ tiêu Tây Nguyên (Kỳ cuối): Giải pháp nào “cứu” nông dân trồng tiêu?
18 | 10 | 2018
Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Gia Lai đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có biện pháp hỗ trợ người dân trồng tiêu để chi nhánh các ngân hàng thương mại có cơ sở đầu tư tín dụng hiệu quả.

Như báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trong các kỳ trước, từ một cây trồng có thế mạnh tại Tây Nguyên, hồ tiêu tưởng chừng sẽ biến những nông dân chân đất thành tỷ phú thì nay đang trở thành “tử huyệt”.

Theo đó, một trong những nguyên nhân chính là do giá liên tục tăng từ 42.000 đồng/ kg vào năm 2010 đã tăng đạt đỉnh 220.000 đồng/kg vào năm 2015 như một lực hút người nông dân đua nhau mở rộng diện tích. Thủ phủ hồ tiêu Gia Lai, theo quy hoạch đến năm 2020 là 6.000 ha nhưng đến cuối năm 2017 đã đạt 16.322 ha (vượt quy hoạch 10.322 ha). Tính rộng ra cả nước có khoảng 153.000 ha thì tại Tây Nguyên chiếm 2/3 diện tích.

Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch, kiểm tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho biết qua theo dõi cứ chu kỳ khoảng 10 năm thì giá hồ tiêu lại xuống đáy một lần do sản lượng hồ tiêu cung vượt cầu. Hiện nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã đạt khoảng 215.000 tấn, đó là chưa kể hồ tiêu của Indonesia, Ấn Độ, mà chủ yếu là để xuất khẩu.

Cùng với đó, việc cây tiêu chết cũng khiến nhiều nông dân trở thành “con nợ”. Điển hình như tại xã Ia Blứ được cán bộ ở đây cho biết, tổng số hộ còn dư nợ tại các ngân hàng thương mại là 1.055 hộ với số tiền 221,006 tỷ đồng. Trong đó, nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NNPTNT) là 160 hộ/44,09 tỷ đồng; ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) là 282 hộ/93,5 tỷ đồng; ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 103 hộ/39.14 tỷ đồng… Cùng với đó là việc ngân hàng siết nợ, nhiều gia đình phải bỏ xứ mưu sinh khắp nơi.

Trước tình hình đó, ngày 17/10, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có biện pháp hỗ trợ người dân trồng tiêu để chi nhánh các ngân hàng thương mại có cơ sở đầu tư tín dụng hiệu quả.

Biện pháp tháo gỡ mà NHNN kiến nghị tỉnh gỡ khó là chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác khuyến nông để nông dân chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là tái đầu tư ở những vùng có diện tích hồ tiêu bị chết. Cùng ngày, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai Đoàn Ngọc Có cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo sở trực tiếp xuống các huyện thị rà soát, đánh giá chính xác hiện tượng cây hồ tiêu chết, để tỉnh có giải pháp giúp đỡ nông dân.

Đại diện NHNH chi nhánh Gia Lai - góp ý: "Trung tuần tháng 6/2018, tại Gia Lai, Cty Đồng Giao vừa xây dựng Trung tâm Xuất khẩu - Chế biến rau quả và đã làm việc với một số huyện thị có cây hồ tiêu chết, đề nghị chuyển đổi sang cây ăn  quả. Đây cũng là hướng chuyển đổi đáng lưu tâm, có thể tháo gỡ cho nông dân lúc này".

Theo DĐDN



Báo cáo phân tích thị trường