|
Thị trường thức ăn chăn nuôi nằm phần lớn trong tay doanh nghiệp FDI. |
Cargill (Mỹ) vừa khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi mới ở Bình Dương, nâng tổng số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của tập đoàn này ở Việt Nam lên con số 12. Trước đó, CJ Vina Agri (Hàn Quốc) cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 6 tại Việt Nam và dự kiến sẽ sớm triển khai nhà máy thứ 7 tại đồng bằng sông Cửu Long. Mavin (Úc) khai trương nhà máy mới vào tháng 5 vừa qua, đưa số nhà máy của Mavin ở Việt Nam lên 5 nhà máy. Các tên tuổi khác như De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore) cũng đều đã khánh thành nhà máy mới.
Khối ngoại vẫn chi phối
Một số doanh nghiệp FDI khác như CP (Thái Lan), Neovia (Pháp), Emivest Feedmill (Malaysia), Japfa Comfeed (Nhật)... tuy không mở thêm nhà máy mới trong thời gian này nhưng tỏ ra đáng gờm. Chẳng hạn, CP Việt Nam (CPV) hiện có 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên cả nước, với tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm. CPV cũng là doanh nghiệp dẫn đầu, chiếm hơn 20% sản lượng, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tính chung, nhóm doanh nghiệp FDI tuy chỉ sở hữu khoảng 61 nhà máy nhưng lại chiếm 60-65% sản lượng, theo Hội Chăn nuôi Việt Nam. Trong thế trận đó, dù các doanh nghiệp Việt Nam như GreenFeed, Anova Feed, Masan, Hòa Phát, Vingroup... tuy đã đầu tư lớn vào ngành thức ăn chăn nuôi nhưng so về quy mô thị phần, vẫn lép vế trước doanh nghiệp FDI khi chỉ nắm khoảng 23% thị phần.
Dù vậy, các công ty đều không muốn bỏ lỡ các cơ hội trong ngành thức ăn chăn nuôi. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Chăn nuôi Công ty Emivest Feedmill Việt Nam, khẳng định: “Các công ty đều có kế hoạch mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện cần khoảng 16-18 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm với tổng trị giá khoảng 6 tỉ USD. Đến năm 2020, theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam có thể sẽ đạt mức 10,55 tỉ USD và cần tới 25-26 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi hơn 2,2 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. USDA Post dự báo trong năm 2019, 76% tổng lượng nguyên liệu thô cho ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu. Các doanh nghiệp sẵn sàng chớp thời cơ, gia tăng nhập khẩu nguyên liệu vì những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi chứng kiến đà tăng trưởng ngành trung bình 12-15%/năm.
Cạnh tranh bằng chuỗi khép kín
Theo ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty CPV, những doanh nghiệp vững mạnh trong ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam hầu hết hoạt động theo mô hình chuỗi khép kín. Đó là lý do vì sao, ngoài sở hữu 8 nhà máy thức ăn chăn nuôi đặt ở Việt Nam, Campuchia và Myanmar, với công nghệ hiện đại thế giới và tổng công suất 2 triệu tấn/năm, GreenFeed còn đầu tư trang trại heo giống, hệ thống trại chăn nuôi heo. GreenFeed cũng đã vận hành nhà máy giết mổ chế biến và phát triển chuỗi cửa hàng riêng để phân phối thực phẩm của mình. Theo thông tin Công ty, sản phẩm thức ăn của GreenFeed đã được phân phối bởi trên 3.000 đại lý và các trang trại mua trực tiếp. Hòa Phát và Masan cũng theo đuổi mô hình chuỗi khép kín 3F: Farm (trang trại) - Factory (nhà máy) - Food (thực phẩm).
|
Nhưng trong ngành thức ăn chăn nuôi, cạnh tranh nhau là ở khả năng đa dạng lĩnh vực hoạt động. Như Neovia tham gia vào 6 lĩnh vực gồm: thức ăn hoàn chỉnh, nuôi trồng thủy sản, phân tích phòng thí nghiệm, thú y, premix và chăm sóc thú cưng. Còn Cargill cung cấp nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi thành phẩm, hỗn hợp chất bổ sung, ngũ cốc, hạt có dầu cho thức ăn chăn nuôi, các giải pháp chuỗi cung ứng, quản lý rủi ro và các công cụ phần mềm, kinh nghiệm chuyên môn...
Đây cũng là lĩnh vực cần đến yếu tố xuất khẩu... Hằng năm, CPV còn xuất khẩu thực phẩm chế biến thủy sản trên 20.000 tấn sang Úc, Nhật, Trung Quốc, châu Âu... Sắp tới, CP cho biết sẽ đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến gà xuất khẩu hiện đại nhất Đông Nam Á.
Các công ty FDI còn tìm cách “tự sản tự tiêu”. Cụ thể, trong khoảng 2,4 triệu tấn sản xuất trong năm ngoái của CPV, chỉ có 40% tham gia thị trường, 60% còn lại được sử dụng trong hệ thống nuôi gia công. Emivest, Japfa cũng hầu như không bán cám ra ngoài.
Rõ ràng, doanh nghiệp nội địa muốn chen chân trong thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ rất vất vả. Tuy nhiên, sau những hoạt động đầu tư bài bản và chiến lược tạo chuỗi khép kín, với các bước đi tương tự nhóm FDI, GreenFeed vẫn đặt mục tiêu vươn tới 20% thị phần trong ngành thức ăn chăn nuôi. Còn Hòa Phát đặt mục tiêu: giành 10% thị phần thức ăn chăn nuôi trong vòng 10 năm.
Có ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp trong nước hợp tác, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, làm tốt khâu quảng bá, chăm sóc khách hàng thì cơ hội tìm lại thế cân bằng với doanh nghiệp ngoại trong ngành thức ăn chăn nuôi có thể sẽ sớm rút ngắn.