Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên hiện trạng nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ sản xuất chưa cao. Nhằm khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào sản xuất và tạo ra hàng hóa nông nghiệp có chất lượng, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế đòi hỏi phải có nguồn lực về tài chính nhằm hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường là doanh nghiệp khởi nghiệp, chưa có quá trình hoạt động lâu dài và chưa có tài sản đảm bảo; dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể yêu cầu vốn đầu tư cao hơn nhiều so với dự án nông nghiệp truyền thống và phải có tiêu chí xác định làm cơ sở thống nhất, đảm bảo minh bạch trong thực hiện cho vay khuyến khích thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm căn cứ để các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi không cần tài sản bảo đảm (lên tới 70% dự án, phương án sản xuất kinh doanh) và danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp làm cơ sở có các ngân hàng thương mại thẩm định dự án vay vốn theo quy định tại khoản 2a Điều 15 Nghị định 116/2018/NĐ-CP. Đồng thời làm căn cứ để hỗ trợ sau đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.
Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ thẩm định hoặc cho ý kiến về trình độ công nghệ của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để làm cơ sở hưởng các chính sách quy định tại các Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP.
Tại dự thảo, tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được đề xuất cụ thể như sau: 1. Công nghệ ứng dụng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại thuộc Danh mục quy định; 2. Sản phẩm được tạo ra của dự án, phương án có chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm; 3. Hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: TCVN ISO 9001:2015, GAP, GMP hoặc tương đương; 4. Đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; trường hợp chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo baochinhphu.vn