Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc sẽ không còn là thị trường xuất khẩu gạo màu mỡ
09 | 07 | 2019
Khối lượng gạo nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đang tiến tới mức ngang bằng nhau, làm thay đổi đáng kể động lực thúc đẩy thương mại lúa gạo toàn cầu.

Trung Quốc chiếm 30% tổng sản lượng cũng như tổng tiêu thụ gạo toàn cầu, là nước sản xuất và tiêu dùng gạo lớn nhất thế giới.

Cách đây 10 năm, khối lượng gạo thương mại của Trung Quốc còn rất ít. Là nước sản xuất đồng thời tiêu thụ lương thực lớn nhất thế giới, họ tự cung tự cấp phần lớn lương thực cho bản thân mình. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa, cụ thể là áp dụng giá thu mua tối thiểu đều đặn trong nhiều năm đã khiến sản lượng gạo tăng nhanh (vì chính sách này khiến cho giá gạo bán trên thị trường Trung Quốc duy trì ở mức cao, làm lợi cho người trồng lúa). Giá gạo xuất khẩu trên toàn cầu giảm mạnh vào năm 2011 và tiếp tục giảm những năm sau đó. Vì vậy, kể từ năm 2013 Trung Quốc nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các nước cung cấp gạo chính cho thị trường Trung Quốc và Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, trong khi Trung Quốc cũng nhập khẩu khá nhiều từ Campuchia. Việt Nam và Thái Lan là hai nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm hơn 3/4 (78%) tổng trị giá gạo nhập khẩu năm 2018 (theo Worldstopexports).

Trung Quốc sẽ không còn là thị trường xuất khẩu gạo màu mỡ - Ảnh 1.

Gần đây, Trung Quốc đã thay đổi đáng kể các quy định về nhập khẩu gạo, kể cả quy định thuế quan, và điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến mặt hàng gạo nếp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực đa dạng hóa thương mại, và thiết lập hạn ngạch với Campuchia và Myanmar. Tất cả những điều này đã làm thay đổi đáng kể các mô hình thương mại.

Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Trung Quốc (chiếm 46,2% tổng nhập khẩu), và Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm 22% tổng xuất khẩu) (theo Hải quan Việt Nam).

Tuy nhiên, giai đoạn 2014-2018, trong top 5 nhà xuất khẩu gạo tăng nhanh nhất vào Trung Quốc không có Việt Nam. Trị giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn đó chỉ tăng 18,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 30,2% của toàn bộ các nhà cung cấp gạo cho Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đã áp dụng nhiều rào cản kể từ đầu năm 2018 càng thêm ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm. Do đó, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm rất mạnh, trong 5 tháng đầu năm 2019 mất 75,4% về lượng và giảm 75,2% về kim ngạch so với cùng kỳ, với 223.078 tấn, tương đương 111,33 triệu USD, chiếm gần 8,1% trong tổng lượng và chiếm 9,4% trong tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm 6,3%, đạt 499 USD/tấn. Trung Quốc từ vị trí thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam đã rơi xuống vị trí số 3 trong 5 tháng đầu năm nay (sau Philippines và Malaysia).

Về cả năm 2019, Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo 5,32 triệu tấn nhưng dự báo chỉ nhập khoảng 3,5 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm 2018. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm đạt 850.000 tấn, giảm 24,4% trong khi xuất khẩu cũng xấp xỉ lượng nhập, với 829.900 tấn, tăng 112,4% so với cùng kỳ 2018.

Đáng chú ý, gần đây Trung Quốc liên tục mở thầu các cuộc bán đấu giá gạo dự trữ. Do chính sách tăng giá thu mua tối thiểu lúa gạo ở những năm trước, Chính phủ nước này đã mua nhiều gạo và đưa vào kho dự trữ tạm thời. Dự trữ gạo của nước này do đó đã tăng lên mức cao kỷ lục. Theo USDA, dự trữ gạo trong niên vụ 2019/2020 của nước này vào khoảng 114-116 triệu tấn, chiếm gần 70% tổng gạo dự trữ/tồn kho trên toàn cầu.

Trong 2 năm vừa qua, mỗi năm nước này đã bán đấu giá được trên 7 triệu tấn gạo dự trữ, trong đó riêng tháng 5/2019 đã trên 1,5 triệu tấn. Mặc dù giá thu mua tối thiểu vẫn tương đối cao, giá gạo dự trữ bán ở các phiên đấu giá lại thấp nên hấp dẫn người mua.

Kể từ năm 2017, xuất khẩu gạo của Trung Quốc đã tăng rất mạnh. Giá gạo trắng loại hạt vừa của Trung Quốc thấp nên có thể cạnh tranh tốt ở Tây Phi và Địa Trung Hải, trong khi gạo hạt dài giá cũng rẻ tiếp tục mở rộng thị phần ở Châu Phi và các khu vực khác. Sự nổi lên của Trung Quốc trên thị trường ngũ cốc hạt vừa vào đúng thời điểm Australia và Ai Cập chuyển từ nhà các nhà xuất khẩu ròng thành các nhà nhập khẩu ròng mặt hàng gạo, là cơ hội để Trung Quốc lấp đầy khoảng trống thiếu hụt do hai thị trường nói trên. Trên thực tế, Ai Cập đã rất tích cực tham gia đấu thầu để mua gạo Trung Quốc. Tương tự, phần lớn gạo xuất khẩu sang Châu Phi đã đáp ứng nhu cầu của khu vực này đối với loại gạo cũ hạt dài giữa lúc Thái Lan đã bán hết số gạo tồn trữ của mình.

Không dừng lại ở đó, các nhà cung cấp gạo Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa sang các thị trường khác, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường gạo thế giới, nhất là ở Châu Á và Châu Phi. Điều này cũng ảnh hưởng tới cả Mỹ, nước trước đây Mỹ thường xuất khẩu gạo hạt vừa giá rẻ sang Puerto Rico. Hiện xuất khẩu gạo Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, với lượng xuất khẩu tháng 4/2019 đạt mức cao nhất kể từ năm 2000.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xuất khẩu khối lượng gạo chỉ kém chút ít so với mức cao kỷ lục ở năm 1998 và trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 5 thế giới, vượt lên trên Mỹ.

Dự báo này hoàn toàn có căn cứ khi sản lượng gạo của Trung Quốc mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng tiêu thụ còn giảm nhanh hơn. Tùy viên nông nghiệp Mỹ ở Trung Quốc ước tính sản lượng gạo nước này năm marketing 2018/19 (kết thúc vào tháng 6/2019) đạt 205,1 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ gạo cùng năm chỉ ở mức 145 triệu tấn. Triển vọng tăng trưởng tiêu thụ gạo ở Trung Quốc nhìn chung sẽ chậm lại bởi người tiêu dùng giảm ăn cơm. Theo USDA, Nhập khẩu gạo vào Trung Quốc trong năm marketing 2018/19 ở mức 5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so với năm marketing 2017/18 do thương mại qua biên giới chậm lại bởi những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn. Xuất khẩu trong năm marketing 2018/19 ước đạt 3 triệu tấn, và tồn trữ cuối niên vụ 2018/19 ước đạt 109,6 triệu tấn.

Trung Quốc sẽ không còn là thị trường xuất khẩu gạo màu mỡ - Ảnh 2.

(Theo CafeF)



Báo cáo phân tích thị trường