Lượng gạo nhập khẩu của Philippines có thể đạt kỉ lục
Theo Cục Công Thương địa phương, xuất khẩu gạo trong tháng 4 ước đạt 620.000 tấn, trị giá 256 triệu USD, giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 4 tiếp tục giảm 4% so với tháng trước xuống 413 USD/tấn do nguồn cung dồi dào và Trung Quốc chưa tăng nhập khẩu trở lại.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng lượng gạo xuất khẩu ước tính đạt 2,03 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với cùng kì năm trước, giá gạo xuất khẩu bình quân đứng ở mức 428 USD/tấn, giảm 14,9%.
Trong 4 tháng qua, Philippineses là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này chiếm khoảng 38% thị phần. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Philippines đã giảm khoảng 13% xuống 393 USD/tấn.
Cục Công Thương địa phương cho biết tại Philippines, giá gạo tiêu thụ tại thị trường này đã có xu hướng giảm liên tục kể từ đầu năm, và trong thời gian tới có khả năng giảm sâu hơn khi việc thực thi qui tắc và quy định (IRR) của luật gạo mới được tiến hành.
Luật thuế mới được Tổng thống Philippines thông qua cuối tháng 2 sẽ tự do hóa quy trình nhập khẩu gạo và hạn chế vai trò nhập khẩu của Cơ quan Thực phẩm Quốc gia Philippines (NFA).
Thay vì hệ thống cũ, các doanh nghiệp Philippines sẽ đóng mức thuế nhập khẩu 35% khi mua gạo từ các nhà cung cấp Đông Nam Á, khoản thuế này giúp tăng ngân sách chính phủ và tài trợ cho quỹ tăng khả năng cạnh tranh ngành gạo.
"Với việc luật tự do hóa nhập khẩu gạo được thông qua, có khả năng trong năm 2019 lượng gạo nhập khẩu của Philippines có thể tăng mạnh lên mức cao kỷ lục 4 triệu tấn" Cục Công Thương địa phương nhận định.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ngày một khó
Đối với Trung Quốc, kể từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường này đã áp dụng nhiều rào cản làm ảnh hưởng đến việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm.
Doanh nghiệp kêu khó xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Trao đổi người viết, ông Vũ Thanh Sơn, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và cũng là đối tác lớn của Hapro.
Việc nước này siết chặt hoạt động nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng khiến lượng gạo xuất khẩu của công ty sang thị trường này cũng sụt giảm mạnh.
"Sắp tới công ty sẽ tìm kiếm thị trường thay thế Trung Quốc để bù đắp lượng gạo xuất khẩu bị sụt giảm", ông Sơn nói
Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho biết Lộc Trời cũng là một trong những doanh nghiệp chịu tác ảnh hưởng bởi động thái này của Trung Quốc.
Theo đó, ông Thòn cho biết lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc giảm mạnh tới 30% từ đầu năm đến nay. Cùng lúc đó, chi phí xuất khẩu cũng tăng 30%, và vấn đề nợ ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn.
"Việc thay đổi chính sách của Trung Quốc là bất thường nhưng chúng ta phải xem đây là điều hoàn toàn bình thường. Dù Lộc Trời đã chuẩn bị tâm thế từ lâu nhưng cũng không thể tránh bị ảnh hưởng", ông Thòn cho biết.
Có thể nói các rào cản chính sách từ phía Trung Quốc là nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam và không phải do kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay đồng nhân dân tệ mất giá.
Cục Công Thương địa phương cho biết hiện khả năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn đang gặp nhiều trở ngại, nhất là việc Trung Quốc có thể giải phóng kho dự trữ.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn được kì vọng sẽ tăng trở lại sau khi Trung Quốc công bố 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo vào thị trường này và trong cả năm 2019, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục nhập khẩu 5,3 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, thị trường xuất hiện những tín hiệu tích cực khi mới đây Bộ Công Thương cho biết Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc đã làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và hơn 40 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vào sáng ngày 6/5 trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại gạo.
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã nhận định, với những lợi thế và tiềm năng về sản xuất lúa gạo của Việt Nam, những ưu thế về quan hệ láng giềng hữu nghị, khoảng cách địa lý và điều kiện giao thương rất thuận tiện giữa hai nước, quan hệ thương mại gạo giữa Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển.
Đối với Việt Nam, tăng cường quan hệ thương mại gạo với Trung Quốc sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân.
Trong khi đó, phía Trung Quốc sẽ có nguồn cung cấp gạo ổn định, chất lượng, giá cả cạnh trạnh và thuận tiện giao hàng đáp ứng nhu cầu tiêu trong nước từ Việt Nam.
Hiệp hội Lương thực Trung Quốc và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã trao đổi, thống nhất thiết lập cơ chế hợp tác, kênh thông tin chặt chẽ giữa hai Hiệp hội để thúc đẩy thương mại gạo giữa hai nước.
Theo Vietnambiz