Trái ngược với dự đoán rằng cuối năm giá gạo xuất khẩu sẽ giảm khi một số nước có nguồn cung lớn như Thái Lan, Ấn Độ sẽ bung hàng ra thì hiện nay giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tăng lên hơn 40-50 USD/tấn và đang có chiều hướng tăng nữa.
Không giảm giá sàn
Hiện giá giao dịch gạo 25% tấm của Việt Nam đã được nâng từ 350 lên 390 USD/tấn; gạo 5% tấm đã được nâng từ 380 lên 430 USD/tấn.
Bước vào tháng 7-2009, thị trường gạo thế giới có chiều hướng trầm lắng. Một số thông tin cho rằng nguyên nhân là do áp lực tồn kho lớn của Thái Lan và nhu cầu của thế giới chưa cao nên giá gạo trên thị trường sẽ còn thấp nữa. Cụ thể là giá gạo 5% tấm trên thế giới có thời điểm dưới 380 USD/tấn.
Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp trong nước đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải hạ giá sàn hướng dẫn xuất khẩu xuống mức 380 USD/tấn gạo 5% tấm để giải quyết lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, yêu cầu này không được VFA ủng hộ.
Theo ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ tịch VFA, lý do không hạ giá sàn hướng dẫn xuất phát từ các diễn biến thị trường trong nước và thế giới. Theo đó, nhu cầu gạo của thế giới vẫn còn rất lớn nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế nên việc nhập gạo sẽ có độ trễ hơn những năm trước, tạo ra khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Trong khi đó, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng cũng tác động tới các nước có truyền thống viện trợ cho những nước thiếu lương thực. Thay vì mua gạo dự trữ trong kho như trước thì nay chỉ viện trợ khi có nhu cầu thật cần thiết.
Với diễn biến này, nếu doanh nghiệp Việt Nam vội vàng hạ giá xuất gạo xuống cũng không có khả năng bán được. Trái lại, việc hạ giá bán sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới các hợp đồng mà doanh nghiệp trong nước đã ký trước với giá cao. Từ đó, các thành viên của VFA đã thống nhất ý kiến là không hạ giá sàn gạo xuất khẩu.
Ẩn số Philippines
Nhiều chuyên gia dự báo do mất mùa của một số nước như Ấn Độ, Philippines, Indonesia... tạo ra những đột biến lớn trên thị trường. Ngày 4-11, Việt Nam tham gia dự thầu bán 250 ngàn tấn gạo 25% tấm cho Philippines. Song song đó, Philippines cũng đã cấp một số lượng “quota” khoảng 200 ngàn tấn nhập khẩu gạo cho các thương nhân nhỏ sang Việt Nam mua gạo.
Philippines quyết định mở thầu mua gạo cho năm 2010 sớm hơn dự kiến là do sợ giá gạo sẽ tăng vào năm tới vì lũ lụt và thời tiết xấu ở Ấn Độ và Đông Nam Á làm mất mùa gạo. Khả năng phía Philippines sẽ dùng giá trúng thầu đợt này kết hợp với giá mua của các thương nhân nhỏ làm cơ sở đàm phán hơn hai triệu tấn trong hợp đồng mua gạo tập trung cấp chính phủ với Việt Nam. Điều này sẽ đặt Việt Nam vào vị thế rất khó xử vì hiện tại dù giá có tăng nhưng vẫn còn thấp so với những lúc cao điểm. Chưa kể việc hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước giữ giá khi bán cho thương nhân Philippines rất khó bởi thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nôn nóng đã bán với giá thấp.
Với những gì diễn ra trên thị trường thì ưu thế đàm phán về giá đang nghiêng về phía các đối tác mua hàng. Điều này sẽ đặt ra cho chúng ta phương án khá khó xử: Nếu ký với giá hiện tại với số lượng gạo lớn thì sợ qua 2010 giá thế giới tăng đột biến thì chúng ta sẽ thiệt. Nhưng nếu chần chừ không ký thì các đối thủ khác như Thái Lan, Pakistan, Myanmar nhảy vào bán, khi đó Việt Nam sẽ mất một thị trường chiến lược vô cùng quan trọng bởi Philippines là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Cứ trúng mùa là giá rớt thê thảm Theo thống kê của VFA, tính đến hết tháng 10-2009, doanh nghiệp đã xuất được hơn 5,3 triệu tấn gạo với tổng giá trị hơn 2,1 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2008. Bên cạnh đó, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đến thời điểm này đạt 6,041 triệu tấn, đạt mức cao nhất kể từ khi Việt Nam có gạo xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Bền, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tháp Sơn (Đồng Tháp), cho biết trong hai năm trở lại đây, cứ sau vụ đông xuân là giá lúa gạo lại rớt thê thảm. Giá lúa gạo từ đỉnh cao sụt giảm nhanh chóng trong một thời gian ngắn khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp thiệt thòi.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết dự kiến tổng sản lượng năm 2009 cả nước sẽ đạt 38,9 triệu tấn thóc, vượt qua năm 2008 được coi là sản xuất lúa gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Do vậy, vấn đề đặt ra làm sao tiêu thụ được lúa hàng hóa cho nông dân, song vẫn đảm bảo cho nông dân có lãi 30% như yêu cầu Chính phủ đưa ra. |