Xuất khẩu gạo Việt Nam hiện tại đang khởi sắc với hơn 5,3 triệu tấn, kim ngạch gần 2,2 tỉ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Số hợp đồng đã ký đến cuối năm cũng lên tới hơn 6 triệu tấn.
VFA đang "lấn sân"?
Không thể phủ nhận chỉ tiêu XK gạo đang có nhiều triển vọng đi lên, song dư luận vẫn lên tiếng về vai trò của VFA. Không chỉ tham gia với vai trò điều tiết XK gạo, VFA còn cùng với tổ điều hành XK gạo hoạch định vấn đề an ninh lương thực, quy mức giá sàn, thậm chí cấp phép thông quan XK bằng con dấu trong hợp đồng (nếu không có con dấu này trong hợp đồng XK, DN sẽ không được phép thông quan).
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bức xúc: "VFA đang làm những công việc hộ Chính phủ mà an ninh lương thực (ANLT) chính là lớp vỏ để VFA vin vào đó chi phối đến XK. Năm nào có vấn đề ghê gớm lắm về thiên tai thì mới phải xem xét đến an ninh lương thực, đâu đến nỗi phải cứ một tháng hai lần lại ngồi điều chỉnh, báo cáo theo dõi để điều chỉnh. ANLT đã quá "oai" và có khi đã bị lợi dụng để nhân danh những mục đích riêng của tổ chức, cá nhân nào đó".
Về điều này, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô - ông Nguyễn Đình Cung đồng tình khi cho rằng, ANLT là chiến lược lâu dài, không nên gắn trực tiếp với điều hành XK gạo theo những diễn biến của thị trường, nay bán, mai giữ thiếu bình ổn. Người nông dân hoàn toàn bị động, thậm chí qua đó bị ép giá khi bán gạo không đúng thời điểm dưới sự chỉ đạo của VFA.
Chính vì việc lâu nay cứ gắn mục tiêu ANLT một cách không chính đáng vào chính sách điều hành XK gạo nên dẫn đến trao cho VFA một lúc cả hai trọng trách: Bảo vệ lợi ích của Nhà nước lẫn bảo vệ lợi ích của DN.
"Suy cho cùng, XK chỉ là mục tiêu trung gian, đích cuối cùng là thu nhập của nông dân thế nào, bà con có được hưởng lợi không. Vì vậy, không được quá chú trọng mục tiêu trung gian nếu không sẽ tạo đòn bẩy sai lầm trong chính sách điều hành XK gạo mà bà con vẫn phải liên tục chịu rủi ro" - ông Cung nhấn mạnh.
Làm rõ quyền lợi của VFA
Nhiều ý kiến khẳng định, vai trò của VFA chỉ nên dừng lại ở việc phục vụ lợi ích của hiệp hội và thành viên hiệp hội, không nên đi bảo vệ lợi ích nhà nước. Giấy phép XK gạo cũng là một thứ ngăn cản gia nhập thị trường, lại củng cố thêm cho những người đang XK. Trong khi đó, thị trường càng mở, cạnh tranh càng nhiều thì càng công bằng và nông dân mới được lợi. Còn nếu đặt điều kiện khắt khe để gia nhập thị trường theo cách làm con dấu của VFA sẽ là rào cản.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, trước hết cần làm rõ quyền lợi của 21 vị thành viên ban điều hành VFA, điều tra, nghiên cứu tình hình thực tế thế nào, lúa gạo đang chạy như thế nào trong quá trình đi ra nước ngoài, ai là người hưởng lợi nhiều nhất, hưởng lợi ở những khâu nào, việc đăng ký hợp đồng XK gạo và "đóng dấu treo" của VFA khi qua hải quan có cần thiết không...
Nếu VFA vừa tập trung chỉ đạo XK vừa tham gia vào hoạt động ANLT thì sẽ làm méo mó hoạt động điều hành của hiệp hội. Ông Doanh cho rằng, cần mở rộng hơn đối tượng thành viên VFA, trong đó phải có sự tham gia của đại diện Hội Nông dân. Về ANLT, thông tin cần được công khai, minh bạch hơn với hệ thống thông tin điện tử tự động, mở rộng cung cấp thông tin thị trường cho bà con nông dân để bà con trực tiếp nắm bắt tình hình và quyết định đến việc mua bán gạo.