Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lúa gạo bắt đầu ùn ứ, giá thấp, nông dân không bán được và Thủ tướng Chính phủ đã phải tổ chức họp bàn giải pháp tiêu thụ; chỉ đạo các bộ, ngành thu mua 200.000 tấn gạo dự trữ và 800.000 tấn lúa (tương đương với 1,2 triệu tấn lúa) để tạo sự chuyển biến cho thị trường và giúp nông dân có thể đạt 30% lợi nhuận như mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Trong khi lúa đông xuân vẫn chưa thu hoạch xong, Bộ NN-PTNT đã họp sơ kết và triển khai kế hoạch sản xuất lúa hè thu. Theo đó, năm 2019, ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, tương đương với diện tích sản xuất vụ đông xuân. Tính chung cả năm 2019, ĐBSCL sẽ xuống giống trên 4,2 triệu ha lúa, với sản lượng đạt gần 26,5 triệu tấn, tăng gần 35.000ha về diện tích và hơn 644.000 tấn lúa so với năm 2018. Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh hạn, mặn đang diễn biến phức tạp và sự phập phù của thị trường xuất khẩu gạo thời gian qua.
Vì sao phải gia tăng diện tích và sản lượng liên tục trong khi thị trường lúa gạo bấp bênh - là câu hỏi mà các chuyên gia đặt ra với ngành nông nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải giảm diện tích trồng lúa, nhất là lúa vụ 3 để chuyển đổi sang mô hình canh tác khác hiệu quả hơn.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, lúa gạo nước ta đang được sản xuất thặng dư trên 10 triệu tấn/năm. Nguồn cung tăng nhiều mà cầu không tăng tương xứng thì giá phải sụt giảm, hơn nữa, trồng lúa cần nhiều nước ngọt nhưng giá gạo lại quá thấp, dân trồng lúa không được hưởng lợi bao nhiêu. Do vậy, dứt khoát phải giảm diện tích trồng lúa, chuyển các diện tích lúa bấp bênh, vốn đầu tư cao ở vùng phèn nặng, nhiễm mặn sang nuôi trồng cây con khác có giá trị cao, như trồng cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm…
Câu chuyện giảm diện tích đất trồng lúa không chỉ là ý kiến của các chuyên gia ngành nông nghiệp. Ngày 9-4-2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia. Theo đó, quy hoạch đất trồng lúa sẽ giảm từ 3,81 triệu ha xuống còn 3,76 triệu ha (giảm 52.040ha), trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm 92.950ha. Trong số 3,76 triệu ha đất trồng lúa được giữ lại, có khoảng 400.000ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa. Trên cơ sở điều chỉnh, nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, ưu tiên các giải pháp bảo vệ diện tích đất trồng lúa, như xác định ranh giới, công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa...; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để người trồng lúa yên tâm sản xuất. Nghị quyết cũng nêu rõ: Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành địa phương điều tra, đánh giá tình hình đất đai bị mặn xâm nhập, tình trạng khô hạn, đất đai bị bỏ hoang không sản xuất được để có các giải pháp kịp thời giúp người dân chủ động trong việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi một cách bền vững. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện nghị quyết trong thực tế đến nay vẫn còn những hạn chế, nhất là việc gia tăng liên tục về diện tích sản xuất và sản lượng lúa ở ĐBSCL.
Có thể thấy giai đoạn vừa qua, những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật, nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì những vùng chuyên canh trồng lúa vẫn là những vùng kém phát triển. Chưa kể, thời gian qua, dưới tác động kép của biến đổi khí hậu và sự tàn phá rừng, xây đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Công làm mặn xâm nhập sâu hơn, tác động đến đa dạng sinh học, ngăn dòng phù sa bồi đắp cho vùng sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, do còn nhiều hạn chế trong ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nên giá thành sản xuất lúa còn cao, trong khi đó, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, theo các chuyên gia, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay là phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị, cải thiện thu nhập cho người trực tiếp làm ra lương thực, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng duy trì sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực bền vững, chứ không thể năm nào cũng gia tăng diện tích và sản lượng như một căn bệnh thành tích mà nông dân trồng lúa lại là người luôn chịu thiệt thòi!