Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kì hạn Tokyo (Tocom) diễn biến giảm trong tháng qua do phần lớn các thị trường đều bị gián đoạn giao dịch do đại dịch COVID-19.
Kết thúc phiên giao dịch 19/3, hợp đồng benchmark tháng 8/2020 giảm xuống mức 1430 USD/tấn, giảm 158,7 USD, tương đương 11,06% so với phiên đầu tháng (2/3).
Giá cao su physical trên thị trường châu Á cũng giảm mạnh cùng với xu thế trên thị trường kì hạn. Cụ thể, RSS3 Thái Lan ngày 23/3 ở mức 1.420 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn; STR20 Thái Lan ở mức 1.190 USD/tấn, giảm 160 USD/tấn; SMR20 Malaysia ở mức 1.150 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với ngày 3/3.
Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu không biến động trong tháng 3/2020 và suốt 3 tháng đầu năm. Giá mủ tại Đồng Nai tiếp tục giữ ở mức 12.000 đồng/kg. Thủ phủ cao su Bình Phước đang tạm ngừng cạo mủ, thị trường cao su trong nước vẫn trầm lắng, giá mủ nước tháng 1 ở mức 290 đồng/độ.
Đánh giá của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài, nguyên liệu phục vụ sản xuất cao su thiên nhiên có thể bị thiếu hụt khi các nhà nhân phối chưa nhập khẩu được từ các nhà sản xuất như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, gây đình trệ việc sản xuất cao su thiên nhiên và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Ngành sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) dự kiến doanh thu xuất khẩu găng tay cao su của nước này sẽ tăng do tình hình dịch COVID-19 lan sang châu Âu và Mỹ cùng với mối lo ngại về sự suy thoái toàn cầu đang diễn ra sẽ làm tăng cạnh tranh việc mở rộng thị trường của cao su Việt Nam.
Theo KT&TD