GIÁ THỨC ĂN GIA SÚC, GIA CẦM TĂNG LIÊN TỤC
Trong những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/2021, khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp đều đồng loạt tăng giá. Các chủ trang trại, người chăn nuôi… choáng váng, bởi việc tăng giá thức ăn nhiều lần trong bối cảnh giá gia súc, gia cầm xuất chuồng quá thấp, thậm chí không có đầu ra khiến người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ lỗ nặng.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tăng 8 lần liên tiếp, trong đó có loại tăng tới 9 lần. Ngay đầu tháng 8/2021, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám heo, các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp đều tăng từ 200 - 400 đồng/kg tùy loại; riêng các loại thức ăn đậm đặc tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện giá cám heo từ 282.000 - 320.000 đồng/bao 25kg, giá thức ăn gia súc, gia cầm hỗn hợp từ 300.000 - 310.000 đồng/bao 25kg. Bình quân mỗi đợt giá tăng từ 7.000 - 8.000 đồng/bao 25kg.
Xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) là địa phương có đàn heo khá lớn. Nhiều nông hộ, nông trại nuôi heo với mật độ từ vài chục đến vài trăm con. Với giá thức ăn như hiện nay đã đẩy họ vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Dù nuôi heo không có lãi nhưng các hộ vẫn cố gắng duy trì để không đứt gãy chuỗi cung ứng. Song việc tái đàn còn chậm, các hộ chỉ nuôi cầm chừng, số lượng đàn duy trì không tăng”.
Tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ
THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây khó trong khâu nhập nguyên liệu, trong khi chi phí vận chuyển tăng từ 200 - 300%. Đợt tăng giá đầu tháng 8/2021 là do vẫn phải sử dụng nguyên liệu mua giá cao từ các tháng trước.
Giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu chững lại đang gây ảnh hưởng tới công tác tái đàn gia súc, gia cầm của các địa phương. Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi cho rằng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi. Để giảm giá thức ăn chăn nuôi, theo các doanh nghiệp thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi... nhằm giảm giá thành sản xuất, bảo đảm nguồn cung, ổn định sản xuất. Có như vậy, giá thức ăn cung ứng đến các trang trại, hộ chăn nuôi mới đảm bảo ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, chế biến và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất công - nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như rơm, cỏ xanh, thân cây bắp, vỏ trái điều, xương và mỡ cá tra, đầu vỏ tôm... để dần thay thế một số nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi và góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Giá heo hơi, gia cầm thương phẩm xuất chuồng tiếp tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Người chăn nuôi gia súc, gia cầm đang lâm vào cảnh thua lỗ, vì giá xuất chuồng thấp hơn giá thành sản xuất. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo và hướng dẫn các hộ chăn nuôi tái đàn theo mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi, thị trường thịt gia súc, gia cầm sát thực tế hơn để người chăn nuôi có định hướng phát triển phù hợp. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyển đổi sang nuôi gia súc ăn cỏ như bò, trâu, thỏ, dê… cũng là những định hướng quan trọng đối với các nông hộ.
Để ngành Chăn nuôi tiếp tục duy trì, đảm bảo lượng gia súc, gia cầm cung ứng thời gian tới, nhất là vào dịp tết Nguyên đán 2022, thiết nghĩ ngành chức năng cần có những giải pháp cấp bách và hữu hiệu hơn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, giúp họ an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
MINH ĐẠT