Từ mối lo chất lượng thịt nhập khẩu...
Thời điểm hiện tại, nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn về chất lượng thịt nhập khẩu nói chung và thịt lợn nói riêng. Bà Nguyễn Thị Vui ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi: Thời gian vừa qua, giá thịt lợn tăng cao, dao động trong khoảng 120.000-180.000 đồng/kg, trong khi thịt lợn nhập khẩu bán trong siêu thị giá rẻ hơn 10-20%, không biết chất lượng thế nào? Còn bà Bùi Thị Lệ Thủy ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết, hiện nay trên các trang mạng như Facebook, Zalo rao bán rất nhiều loại thịt lợn đông lạnh với giá rẻ nhưng bà chưa dám mua vì nghi ngại về nguồn gốc sản phẩm.
Những lo ngại nêu trên không phải không có căn cứ, theo quy định, thịt sau khi rã đông phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 4 đến 5 độ C nhưng nhiều điểm bán hàng không bảo đảm đúng quy định, chưa nói đến việc sản phẩm không được bao gói, nhãn mác... Thậm chí có không ít đối tượng nhập lậu thịt đông lạnh, không có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng về bán kiếm lời. Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, ngày 19-5, trong quá trình kiểm dịch nhập khẩu lô lợn 980 con nhập khẩu từ Thái Lan để giết mổ, cơ quan kiểm dịch đã phát hiện lô lợn này bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và kiểm soát chất lượng thịt khi đưa ra thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định tạm dừng nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ kể từ ngày 30-6.
Liên quan đến quyết định này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng cho biết, việc tạm dừng nhập khẩu lợn từ Thái Lan không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung trong nước. Hiện nay, các địa phương vẫn tiếp tục thúc đẩy việc tái đàn, tổng đàn lợn cả nước ở thời điểm hiện tại đã lên tới hơn 27 triệu con, bằng 89% so với trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Hiện thịt lợn nhập khẩu từ Thái Lan chỉ chiếm khoảng 4-5% trong tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu của các nước về Việt Nam.
... Đến việc tăng cường kiểm soát, giám sát
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để cạnh tranh với sản phẩm thịt lợn trong nước, các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối đều đưa ra những cam kết để người tiêu dùng yên tâm sử dụng, như: Thịt đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có ngày sản xuất, hạn sử dụng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Và để người tiêu dùng yên tâm khi thay đổi thói quen sử dụng, thịt gia súc, gia cầm, trong đó có thịt lợn cấp đông được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.
Theo Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, để thịt lợn nhập khẩu đến tay người tiêu dùng với chất lượng cao và giá cả phù hợp, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ quy trình nhập khẩu, bảo quản, niêm yết giá bán rõ ràng... Qua đó, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với thịt lợn sản xuất trong nước.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Việc bảo quản thịt lợn đông lạnh sau khi nhập khẩu và sản xuất trong nước đều đã có quy trình rõ ràng. Các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. "100% lô hàng thịt nhập vào Việt Nam phải nằm ngoài cảng để đợi lấy mẫu kiểm tra theo quy định, nếu đạt yêu cầu mới cho nhập khẩu, nếu thịt không bảo đảm chất lượng sẽ bị xử lý theo quy định...", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng thịt lợn bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tạm...; đồng thời, kiên quyết dẹp bỏ các điểm, cơ sở kinh doanh thịt lợn nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Ngọc Quỳnh [Báo HàNộiMới]