Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm hơn 8% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Bảy tháng đầu năm 2021, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 2.140 triệu USD giảm 2,63% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu đạt 4.385 triệu USD, tăng 124,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 286,6 triệu USD, giảm 5,81% so với tháng trước và tăng 3,99% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 7/2021 là gạo (chiếm 35%), thủy sản (chiếm 15%), phân bón các loại (chiếm 10%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 10,7%), cà phê (chiếm 8,9%). So với tháng 6/2021, chỉ có 4/14 mặt hàng NLTS có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất thịt và sản phẩm thịt tăng 114%, chè tăng 32%, rau quả tăng 10%, gạo tăng 0,75% trong khi đó 10/14 mặt hàng còn lại có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là sắn và các sản phẩm sắn giảm 79%, cao su giảm 24%, cà phê giảm 23%, hạt tiêu giảm 22%. So với cùng kỳ năm 2020, 9/14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, đặc biệt thịt và các sản phẩm từ thịt tăng cao nhất với 295%, phân bón các loại tăng 72%, sản phẩm từ cao su tăng 65%, chè tăng 36% trong khi chỉ có 5/14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là sắn và sản phẩm sắn giảm 87%, hạt điều giảm 33%, cà phê giảm 13%. (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Theo USDA, mặc dù giá ngô trên thị trường quốc tế cao hơn, nhập khẩu ngô của Indonesia dự kiến vẫn đạt 900.000 tấn trong 2020/21 và 1,3 triệu tấn vào năm 2021/22, do công suất xay ướt tăng lên. Tiêu thụ ngô làm thức ăn chăn nuôi trong năm 2020/21 được dự báo sẽ tăng lên 8,9 triệu tấn do nhu cầu mạnh hơn từ lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Nhập khẩu gạo dự kiến là một triệu tấn vào năm 2020/21. Sản lượng gạo cho năm 2020/21 dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 35,3 triệu tấn gạo xát tương đương do năng suất tốt hơn do ít sâu bệnh hơn. Bộ Nông nghiệp Indonesia mới đây cho biết mục tiêu sản xuất của nước này là 55,20 triệu tấn lúa, 20 triệu tấn ngô và 20 triệu tấn đậu tương, 780 nghìn tấn ca cao, 1,64 triệu tấn hành, 795,45 nghìn tấn cà phê, 2,87 triệu tấn ớt, 2,3 triệu tấn đường, 91 nghìn tấn tỏi và 0,44 triệu tấn thịt bò. So với năm 2020, mục tiêu sản xuất lúa vào năm 2022 chỉ tăng nhẹ. Theo Cơ quan Thống kê (BPS), sản lượng gạo chưa xát vỏ của Indonesia ở mức 54,65 triệu tấn, tương đương 31,33 triệu tấn gạo vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu năm 2022, Bộ Nông nghiệp Indonesia sẽ phân bổ 14,451 nghìn tỷ rupi (tương đương 23,1 nghìn tỷ đồng) từ ngân sách, trong đó ưu tiên cho các chương trình nâng cao chất lượng dự trữ lương thực, khả năng tiếp cận và tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng, cơ hội việc làm và đầu tư vào lĩnh vực thực và công nghiệp hóa. Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng đang tập trung vào việc tăng cường hệ thống giống cho cây lương thực, trồng trọt và chăn nuôi, bên cạnh việc tăng sản lượng rau và các sản phẩm từ trồng rừng.
Trung Quốc đã trở thành điểm đến xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Philippines và là nguồn nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Philippines. Chuối của Philippines đã chiếm hơn một nửa thị phần tại Trung Quốc, dừa tươi của Philippines lần đầu tiên vào thị trường Trung Quốc và Philippines đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên xuất khẩu bơ sang Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Philippines, với đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Trung Quốc hỗ trợ Philippines thông qua các dự án thủy lợi và công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Philippines-Trung, trồng 226.500 ha lúa lai thương phẩm, mang lại lợi ích cho hơn 134.000 nông dân. Bộ Nông nghiệp Philippin đang xây dựng một lộ trình phát triển ngành ngô mang tính chiến lược. Năng suất ngô vàng trung bình trên toàn quốc của nước này là 4,18 tấn / ha, nếu tính cả ngô trắng, tổng năng suất trung bình giảm xuống chỉ còn 3,18 tấn / ha. Ngược lại, năng suất trung bình của ngô lai ít nhất là 8 tấn / ha. Lộ trình sẽ chia ra các giai đoạn ngắn hạn (2021-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2040), tập trung vào việc tăng năng suất của các khu vực sản xuất ngô chính của đất nước.
Nhu cầu thực phẩm ở Philippin đã giảm trong vài tháng qua. Ước tính của Chính phủ cho thấy thiệt hại kinh tế hàng tuần do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đang được thực hiện ở trung tâm Malina và các khu vực lân cận là khoảng 74 tỷ peso. Nhu cầu đối với thịt gà đã giảm buộc những người chăn nuôi phải cắt giảm sản lượng trong bối cảnh các sản phẩm nhập khẩu vẫn tiếp tục được nhập về. Dữ liệu từ Cục Công nghiệp Động vật (BAI) cho thấy từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, chính phủ Philippines đã ban hành Giấy phép nhập khẩu vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS-IC) với khối lượng 401,83 triệu kg thịt gà, cao hơn 83% so với SPS-IC được ban hành trong cùng kỳ năm ngoái. Đối với cá, Chính phủ đã phê duyệt việc nhập khẩu 60.000 tấn cá trong cuối năm nay. Các doanh nghiệp và hiệp hội lo ngại về nguy cơ thừa nguồn cung và ảnh hưởng sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu được cho là hợp lý là khoảng 30.000 tấn cá.
Vương quốc Anh đã chính thức bắt đầu đàm phán gia nhập Hiệp định Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khi nước này tìm cách thiết lập quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với châu Á sau khi nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp Vương quốc Anh tăng cường khả năng tiếp cận thị trường ASEAN với hơn 600 triệu người tiêu dùng.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.