|
Toàn cảnh hội nghị |
Theo thông tin được Bộ NN&PTNT công bố tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngày 29/12/2021, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành (VA) tăng 2,85 - 2,9%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, cao hơn nhiều mục tiêu 42 tỷ USD Chính phủ giao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá: “Thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2021 đến từ sự đồng hành của toàn xã hội, của sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước”.
Đánh giá ngành nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phân tích: xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 48,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. “Nhiều quốc gia để xảy ra lộn xộn trong thời gian dịch bệnh, song ngành nông nghiệp Việt Nam đã làm rất tốt, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của cả nước”, ông Diên nói.
Tuy nhiên, dù có trị giá xuất khẩu lớn nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải, nguyên nhân nằm ở sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.
Để có giải pháp căn cơ bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần xác định rõ thị trường xuất khẩu trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất.
Nhằm hướng tới việc khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường phối hợp với các nộ, ban, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.
Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ NN&PTNT trong vấn đề quản lý đất đai; trao thêm quyền điều phối cho Bộ NN&PTNT trong những vấn đề liên quan tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
Thừa nhận dù đạt được một số thành tích như xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ngành 2,8%, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều vấn đề. Có những thách thức chung đến từ thế giới, có những thách riêng của ngành như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…
Năm 2022, toàn ngành nông nghiệp tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chỉ tiêu cơ bản đặt ra năm 2022 của ngành là: tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản khoảng 49 tỷ USD…
“Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2021. Tăng hàm lượng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… sẽ là những định hướng chính của ngành nông nghiệp”, “tư lệnh” ngành nông nghiệp nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, 2022 sẽ là năm hành động với ngành nông nghiệp.
Cụ thể là trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có đến 9 nền tảng dành cho ngành nông nghiệp như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ NN&PTNT thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan là Trưởng ban, nâng cấp Trung tâm Chuyển đổi số thành cấp Cục; đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác, triển khai sớm trong nửa đầu năm 2022.
“Chuyển đổi số góp phần thành lập giải bài toán thiên niên kỷ của nhân loại, cũng là giải một số bài toán của ngành nông nghiệp. Một trong những giải pháp là thành lập tổ công nghệ cộng đồng đến mức xã, thôn, lấy thanh niên làm nòng cốt”, ông Hùng nói.