Theo Tiền phong
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, gần 1 tháng nay giá U rê trong nước đã bắt đầu giảm mạnh. Theo đó, trong tháng 5, giá phân U rê giảm khoảng 700-980 đồng/kg và từ đầu tháng 6 đến nay giá loại phân bón này tiếp tục giảm thêm 1.000-2.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, giá U rê hiện dao động 15,5-16 triệu đồng/tấn tuỳ loại (giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm). Cụ thể, giá U rê Cà Mau tại An Giang ngày 24/6 là 795.000 đồng/bao (loại 50 kg), giảm 40.000 đồng/bao so với đầu tuần. Urê Ninh Bình là 840.000 đồng/bao (giảm 40.000 đồng), Urê Phú Mỹ giảm 45.000 đồng/bao còn 845.000 đồng/bao.
Theo Cty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), vào ngày 16/6 vừa qua, giá chào thầu phân Urê hạt đục trên thế giới (giá FOB - giá đã bao gồm chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) là 547 USD/tấn. Đặc biệt, giá phân Urê hạt đục của Sơn Đông (Trung Quốc) chào thầu chỉ còn 448 USD/tấn, mức giảm khá mạnh so với mức 1.060 USD/tấn trong tháng 1/2022.
Lý giải về việc giá phân U rê giảm, đại diện Đạm Cà Mau cho biết, nguyên nhân là Trung Quốc thay đổi chính sách, cho phép xuất khẩu phân bón trở lại khi cao điểm mùa vụ tại Trung Quốc đã qua. Đồng thời, Nga bắt đầu xuất khẩu phân bón sang Ấn Độ và Nam Mỹ với giá bán thấp hơn 30% mặt bằng giá thế giới.
Ở thị trường trong nước, theo khảo sát của Đạm Cà Mau, giá phân bón thời gian qua tăng vọt đã khiến nhiều nông dân tại khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên bỏ ruộng. Còn miền Tây Nam bộ, người nông dân bỏ vụ 3 do sản xuất không hiệu quả. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón điều chỉnh giá bán để giảm áp lực cho khách hàng.
Khó dự báo
Theo các DN, dù giá U rê bắt đầu hạ nhiệt, song các loại phân bón khác như Kali, SA, NPK…vẫn ở mức cao do còn gặp khó về nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, hiện nay giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh nên giá phân bón thời gian tới khó dự đoán.
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, hiện nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân NPK của công ty là Kali, SA, lưu huỳnh và quặng apatit và một lượng nhỏ Ure. Trừ quặng apatit được cung cấp trong nước, đa phần nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu. Mấy tuần gần đây, giá U rê có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng lượng Urê trong phân bón NPK chiếm không đáng kể nên các loại phân NPK vẫn chưa thể giảm.
Theo ghi nhận của chúng tôi hiện sản phẩm NPK Supe Lâm Thao dao động khoảng 14.000-15.000 đồng/kg, phân NPK Cò Pháp mức 21.900 đồng/kg, phân NPK đầu trâu TE 22.000 đồng/kg, phân NPK Việt Nhật 19.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá DAP Đình Vũ duy trì ở mức 1,12 triệu đồng/bao (loại 50kg), giá không đổi so với đầu tháng.
Ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh này, các DN cần phát huy tối đa công suất và tìm mọi cách giảm chi phí, hạ giá thành, đặc biệt là giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón. Các DN cũng cần ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp trong nước trước khi nghĩ tới xuất khẩu.
“Hiệp hội cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân vô cơ. Đặc biệt, lợi dụng giá phân bón tăng cao, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang được bày bán trên thị trường ngày càng nhiều, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, có các chế tài xử phạt các đại lý găm hàng bảo vệ lợi ích của người nông dân ”, ông Hà cho hay.