Nguồn: Tienphong.vn
Theo nguồn tin của Tiền Phong, doanh nghiệp mà Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị áp thuế MFN (tối huệ quốc) và điều tra nguồn gốc xuất xứ đối với các lô đường xuất khẩu vào Việt Nam là Công ty PT Kebun Tebu Mas.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam - cho biết, đây là doanh nghiệp duy nhất của Indonesia có sản phẩm đường xuất khẩu vào Việt Nam sau khi quyết định 1514/QĐ-BCT về "Áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía" có hiệu lực.
Điều đáng nói, hiện khối lượng đường xuất khẩu vào Việt Nam của doanh nghiệp này lại vượt gấp đôi năng lực sản xuất.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/12/2022, khối lượng đường của doanh nghiệp này xuất vào Việt Nam đạt khoảng 165.600 tấn. Tuy nhiên, theo các tài liệu từ Hiệp hội mía đường và Bộ Nông nghiệp Indonesia công bố, trong 4 năm gần đây sản lượng bình quân đường từ mía của Công ty PT Kebun Tebu Mas sản xuất chỉ đạt hơn 54.400 tấn/năm và 4,6 tấn/ha và sản lượng cao nhất là 76.524 tấn/năm.
“Đây là trường hợp có dấu hiệu rõ của hành vi gian lận xuất xứ trong hoạt động xuất khẩu đường sản xuất từ mía sang Việt Nam", ông Lộc cho hay.
|
Tình trạng đường lậu, gian lận xuất xứ đang diễn ra tràn lan trên thị trường khiến ngành đường mía trong nước ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Theo ông Lộc, loại đường có dấu hiệu gian lận xuất xứ này đang tràn ngập thị trường khiến cho đường sản xuất từ mía hầu như không thể tiêu thụ được và có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho chuỗi liên kết sản xuất mía đường. Ước tính khối lượng đường gian lận xuất xứ còn có thể gây thất thu thuế tối thiểu khoảng 1.200 tỷ đồng
Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất đối với các lô đường nhập khẩu do Công ty PT.Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất; đồng thời tạm thời áp dụng thuế suất MFN đối với lô hàng của công ty này xuất khẩu vào Việt Nam trong thời gian tới.
Không chỉ Hiệp hội mía đường Việt Nam nhận thấy bất thường, mới đây, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác minh xuất xứ các lô hàng nhập khẩu đường mía từ Indonesia, Malaysia sau khi Quyết định 1514/QĐ-BCT có hiệu lực.
Trong trường hợp xác định có vi phạm thì thực hiện các biện pháp truy thu thuế và xử lý theo quy định
Trước đó, vào tháng 8/2022, theo Quyết định 1514/QĐ-BCT (Bộ Công Thương), sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar) có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp thuế chống bán phá giá 42,99% và chống trợ cấp là 4,65%.
Theo Bộ Công Thương, việc các doanh nghiệp của 5 nước ASEAN sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu vào Việt Nam là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp dẫn đến tồn tại thiệt hại của ngành sản xuất trong nước do tác động của hàng hóa nhập khẩu gia tăng nhanh và mạnh.