Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC THÁNG 1/2023
15 | 02 | 2023

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Dữ liệu của Bộ Thương mại Hàn Quốc cũng cho thấy trong tháng 12, xuất khẩu giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp, do mức sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc và Đông Nam Á không đủ để bù đắp cho mức tăng trưởng xuất khẩu khiêm tốn sang Mỹ và Liên minh châu Âu.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 26/1 cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 tăng 2,6%, so với mức tăng 4,1% của năm 2021. Mức tăng trưởng năm 2022 đánh dấu tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020, khi nền kinh tế giảm 0,7% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý, GDP quý IV/2022 của Hàn Quốc giảm 0,4% so với quý III trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên kinh tế Hàn Quốc suy giảm theo quý, kể từ quý II/2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại được cho là do tăng trưởng xuất khẩu yếu đi do doanh số bán chất bán dẫn và các hàng hóa khác sụt giảm. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu chỉ tăng 2,9% vào năm 2022, so với mức tăng 10,8% của năm 2021.

Nền kinh tế trong nước của Hàn Quốc đang chịu sức ép lớn do lạm phát cao, lãi suất tăng. Chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 12 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Để kìm hãm giá cả, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã tăng lãi suất chính sách thêm 275 điểm cơ bản kể từ tháng 8-2021 và dự kiến sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất nữa vào đầu năm nay.

Lãi suất cao có thể khiến các hộ gia đình ở Hàn Quốc cắt giảm ngân sách chi tiêu. Nền kinh tế Hàn Quốc phải đối mặt với những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa của Hàn Quốc. Triển vọng của nền kinh tế vẫn còn ảm đạm do xuất khẩu dự kiến sẽ vẫn chậm chạp và tiêu dùng cũng như đầu tư của doanh nghiệp có khả năng sụt giảm.

Tháng trước, Bộ Tài chính Hàn Quốc cắt giảm dự báo tăng trưởng của đất nước xuống còn 1,6% trong năm 2023 so với mức tăng trưởng ước tính 2,5% trong năm 2022. Mức dự báo này ảm đạm hơn so với dự báo tăng trưởng 1,7% của BoK và 1,8% của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI). Trong năm 2021, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 4%, cao nhất trong 11 năm.

Sản lượng khoai tây của Hàn Quốc năm 2022 giảm 9,5% xuống 510.000 tấn. Sản xuất khoai tây trong nước của Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm dần trong những năm tới và tiêu thụ khoai tây của Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng 2,5% vào năm 2023 do nhu cầu đối với các sản phẩm khoai tây chế biến tăng lên.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, năm 2022 nước này đã chi 6,47 tỷ USD để nhập khẩu 1,595 triệu tấn thủy sản từ 109 thị trường, tăng 3,9% về lượng và tăng 12,7% về trị giá so với năm 2021. Năm 2022, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ thị trường Nga và Việt Nam, trong khi giảm nhập khẩu thủy sản từ Na-uy, Hoa Kỳ, Pê-ru.

Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu cà rốt chính của Việt Nam. Vụ đông năm 2021-2022, sản lượng cà rốt tiêu thụ ở đây khoảng 100.000 tấn, trong đó chủ yếu là cà rốt của Hải Dương. Đối với thị trường này, việc kiểm soát dịch hại, nhất là tuyến trùng đặc biệt quan trọng. Từ ngày 21 tháng 12 năm 2022, nước này chính thức gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với một số nông sản của Việt Nam, trong đó có cà rốt. Trước đó, vào đầu tháng 10 năm 2022, Hàn Quốc đã phát hiện loài tuyến trùng radopholus similis trong cây monstera có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam và có thông báo hạn chế nhập khẩu những loại thực vật nguồn gốc từ nước ta, trong đó có củ cà rốt. Lệnh cấm được gỡ bỏ ngay đầu vụ thu hoạch là tín hiệu vui với các vùng trồng cà rốt của Hải Dương.

Tháng 12/2022, Việt Nam xuất khẩu 217,05 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, giảm 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 45,85%, thứ hai là thủy sản với 33,39%, rau quả chiếm 7,68%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, sản phẩm cao su, thức ăn gia súc và nguyên liệu là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, còn lại các mặt hàng khác có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường