Nguồn: vnexpress
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hai tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ liên tục lao dốc và chỉ đạt 109 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường chính như Mỹ, EU giảm mạnh 50%.
Nguyên nhân là lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Họ tập trung các sản phẩm có giá rẻ. Ngoài ra, Việt Nam chưa gỡ được "Thẻ vàng IUU" là những trở ngại cho ngành cá ngừ.
Dẫu vậy, xuất khẩu vẫn có những tín hiệu tích cực khi hàng sang Anh, Nhật Bản, Đức, Israel tăng cao. Đặc biệt, trong tháng 2, xuất cá ngừ sang Anh đã tăng hơn 13 lần, đạt 971.000 USD. Lũy kế hai tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 1,3 triệu USD, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2022.
Ngoài Anh, xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Đức và Israel hai tháng đầu năm cũng lần lượt tăng trưởng 32-99%. Đây cũng là các quốc gia nằm trong top 5 về xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Anh là một trong 10 thị trường nhập cá ngừ lớn trên thế giới. Hiện, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13/45 quốc gia sang Anh. Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang nước này tăng gần 10% về giá trị.
VASEP đánh giá, Việt Nam đang khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ nhưng với thuế quan ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do UKVFTA nên các nhà nhập khẩu Anh vẫn đẩy mạnh nhập cá ngừ từ Việt Nam.
Hiệp hội này kỳ vọng các hiệp định FTA sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong vài tháng tới. Dự báo nhu cầu của thị trường có thể dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Việt Nam có trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn đối với cá ngừ. Hiện có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, với trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%. Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất.