Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Vì sao vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững?
07 | 06 | 2023
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, thị trường này vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững.

Nguồn: congthuong.vn

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững

Trong số các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất, trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và thị trường Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.

Trung Quốc là "điểm đến" và là thị trường trọng điểm của rất nhiều nông sản Việt. Theo ước tính, 5 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su ước tính đạt khoảng 580 nghìn tấn, trị giá 803 triệu USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 99,79% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, thị phần cao su Việt Nam chiếm 17,71% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023, cao hơn so với mức 16,95% của 4 tháng đầu năm 2022.

Hay với mặt hàng rau quả, 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Với đường biên giới kéo dài, đây là một yếu tố thuận lợi cho hoạt động giao thương nông sản Việt Nam – Trung Quốc. “70% các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là bằng đường bộ. Hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới là cửa ngõ để nông sản Việt Nam có thể vào sâu thị trường Trung Quốc. Đây cũng là lợi thế để đẩy mạnh hoạt động giao thương nông sản giữa hai nước trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận xét.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững. Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu hai nước vẫn diễn ra. Nhiều mặt hàng có giá trị cao, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn nhưng chưa được mở cửa.

Nguyên nhân là do, hạ tầng khu vực cửa khẩu của cả hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương. Dẫn đến nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao khi vào vụ, ví dụ sầu riêng lúc này, thường bị ách tắc tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục thay đổi những quy định về chính sách về nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Một số tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu đã ngang bằng, thậm chí có quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm, kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Về doanh nghiệp trong nước, chúng ta còn thiếu tính bền vững trong giao thương như thiếu liên kết, thói quen thương mại tiểu ngạch… Các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến thương mại còn tương đối hạn chế.

Và vấn đề hạn chế nhất đó chính là thiếu chuỗi cung ứng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Mặc dù còn những bất cập, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, cả hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đều đánh giá cao tiềm năng và chất lượng nông sản của nước ta, đồng thời cam kết tiếp tục có những hoạt động thúc đẩy, quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản hai bên, theo hướng bổ sung cho nhau. Phía bạn luôn xác định Việt Nam là cái đối tác thương mại quan trọng.

Để thúc đẩy giao thương nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc nói chung và hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam nói chung, ông Trần Thanh Nam cho hay, hiện hai bên đang tích cực nghiên cứu thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và Quảng Tây, Vân Nam để tạo một sân chơi cho doanh nghiệp hai nước. Đây là nền móng để bảo vệ quyền, lợi ích cũng như cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp.

Về giải pháp lâu dài cần tính đến phương án nâng cấp hạ tầng cho các cửa khẩu theo hướng sử dụng công nghệ số, phát triển cửa khẩu thông minh. Chẳng hạn, khi xe hàng đến cách cửa khẩu 70km, các thủ tục thông quan phải được doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý chuẩn bị, đảm bảo cho công tác truy xuất nguồn gốc được diễn ra thuận lợi.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, hiện Bộ cũng đang triển khai các chương trình sản xuất bền vững, trong đó trọng tâm là xây dựng vùng nguyên liệu. Tất cả nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói riêng, cũng như đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.



Báo cáo phân tích thị trường