Nguồn: dangcongsan.vn
|
Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: PV) |
Ngày 28/6 tại tỉnh Long An, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 chủ đề "Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”.
Diễn đàn nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt, làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, .
Diễn đàn dự kiến có sự tham dự 300 khách mời đến từ các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương; lãnh đạo VCCI; lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL; các chuyên gia nông nghiệp, Hiệp hội và doanh nghiệp nông nghiệp…
Trong những năm qua, Đảng, nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 57/2018/NĐ- CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững,…
Tuy nhiên, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta, điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.
Phát biểu tại diễn đàn ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, tầm quan trọng và các định hướng lớn để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững đã được nêu trong Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ19); Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ150).
Đặc biệt, Nghị quyết 19 đã nêu rõ: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.
Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng đề ra mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.
“Khi chúng ta chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao, đây chính là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp. Và để thực hiện điều này, bên cạnh người Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp thì vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp sẽ ngày càng cao, thậm chí để thành công thì người nông dân cũng sẽ cần có tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp để thực hành làm kinh tế nông nghiệp.”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Tuy nhiên, ông Công cho rằng, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn và để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa, chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
“Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới: ‘Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có’ càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng khẳng định, vai trò của doanh nghiệp thể hiện rất rõ trong những năm gần đây khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả rõ nét, đưa giá trị và thương hiệu của sản phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng cho người tiêu dùng mà còn “chinh phục” thị trường thế giới.
Lãnh đạo VCCI mong muốn, thông qua diễn đàn lần này, Chính quyền các cấp nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, từ đó có giải pháp tháo gỡ đồng bộ, kịp thời giúp doanh nghiệp thực sự trở thành “hạt nhân” mở đường, đột phá thúc đẩy sự phát triển của ngành. Với mục tiêu chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”, các Doanh nghiệp kỳ vọng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành bằng những cơ chế hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý, tiếp cận thị trường và tận dụng các cơ hội hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp bền vững nói chung và đầu tư vào nông nghiệp bền vững tại Long An nói riêng.