Trong các nguồn đầu tư nước ngoài thì đầu tư trực tiếp không chỉ là kênh bổ sung nguồn vốn cho phát triển, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, mà còn quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, vì thông qua FDI các nguồn kỹ thuật - công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn lao động có cơ hội chuyển giao và phát huy mạnh mẽ. Đó chính là những cơ sở rất cần thiết cho bước phát triển bền vững tiếp theo.
Thực hiện đường lối đổi mới hơn 25 năm qua, Việt Nam đã luôn chú trọng thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI nói chung và FDI vào nông nghiệp nói riêng. Các nguồn vốn đầu tư này đã góp phần rất lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của nông nghiệp nói riêng. Trong đó phải kể đến thành tựu đảm bảo an ninh lương thực và mở rộng xuất khẩu, đặc biệt hướng tới các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp; chính sự phát triển của nông nghiệp trong những năm qua là cơ sở rất quan trọng bảo đảm để Việt Nam trụ vững và vượt qua tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian vừa qua.
Xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam; khu vực nông nghiệp, nông thôn có vị trí rất quan trọng trong đảm bảo sự ổn định kinh tế - xã hội, tạo nền tảng phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư nhằm xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Trong Nghị quyết các kỳ đại hội đều khẳng định chú trọng, quan tâm đầu tư cho nông nghiệp thông qua các nguồn vốn khác nhau. Gần đây Nghị quyết TW 7 (khoá X) đã khẳng định thêm cần “Mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn”.
Có thể thấy, các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp đã bắt đầu góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, làm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ mới.
Tuy vậy, thực tế hàng năm vẫn có các dự án mới đầu tư vào nông nghiệp nhưng trong những năm qua, nguồn vốn FDI vào nông nghiệp còn hết sức hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam, thậm chí đang có xu hướng giảm. Chẳng hạn: 7,4% năm 2006; 5,37% năm 2007; 3% vào năm 2008 và năm 2010 chỉ còn 1% trong tổng vốn đăng ký. Mặt khác, so với hoạt động FDI trong nhiều lĩnh vực khác, hiệu quả thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa cao.
Với vai trò quan trọng của nền nông nghiệp và chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là tăng cường thu hút FDI vào nông nghiệp nhưng thực tế FDI vào nông nghiệp chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển. Có nhiều nguyên nhân làm cho khu vực nông nghiệp chưa thu hút được FDI, như: hoạt động sản xuất của khu vực nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro hơn các lĩnh vực khác do chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, thiếu đảm bảo về kết cấu hạ tầng, đất đai và nguồn nhân lực; nông nghiệp Việt Nam vẫn còn mang tính sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, thiếu tính chuyên môn; chiến lược, định hướng thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chưa được xác định rõ ràng; cơ chế, chính sách về FDI trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, song chỉ có 1,63% doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này).
Để tăng cường thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, thiết nghĩ, trước hết cần tạo dựng được một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, hiệu quả, cũng như đầu tư cho nông nghiệp ở mức xứng đáng, đảm bảo tỉ lệ đầu tư thích hợp và đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả và công bằng.
Mặt khác, cần xây dựng mục tiêu đầu tư có trọng điểm cho từng lĩnh vực, từng bước hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, các ngành, các sản phẩm cần đẩy mạnh thu hút FDI; tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, xây dựng và phát triển của từng ngành, từng sản phẩm theo hướng gắn kết với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.
Theo đó, các ngành, địa phương cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên thu hút vốn FDI với các thông tin cụ thể, về mục tiêu, địa điểm, công suất và đối tác Việt Nam để làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến khích FDI vào khu vực nông nghiệp; tăng cường nâng cao hiệu quả công tác, vận động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo hướng coi việc hỗ trợ tạo điều kiện để triển khai có hiệu quả các dự án FDI đã được cấp giấy phép đầu tư là biện pháp tốt nhất để xây dựng hình ảnh, nâng cao sự hiểu biết của nhà đầu tư nước ngoài về sức hấp dẫn và cạnh tranh của FDI trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Nhanh chóng xây dựng kế hoạch và chương trình vận động đầu tư cụ thể trong nước và ngoài nước, tập trung vào các ngành, dự án, và đối tác đầu tư trọng điểm cần thu hút FDI…
TH