Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát tháng 10 ở châu Âu đạt kỷ lục mới ở mức 10,7%, tăng so với mức 9,9% của tháng 9 trước đó. Với mức tăng 10,7%, đây là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997. Eurostat cho biết giá năng lượng trong tháng 10 cao hơn 41,9% so với cùng kỳ 2021, trong khi giá thực phẩm tăng 13,1%. Lạm phát cốt lõi - không bao gồm nhiên liệu - cũng tăng lên 5%, từ mức 4,8% trong tháng 9. Tại từng nước thành viên, có 11 trên 19 nước ghi nhận lạm phát ở mức hai con số, cao nhất là Estonia (22,4%), Lithuania (22%) và Latvia (21,8%). Ba nước lạm phát thấp nhất là Pháp (7,1%), Tây Ban Nha (7,3%) và Malta (7,5%). Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức ghi nhận lạm phát tháng 10 là 11,6%, tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1951.
Giá tiêu dùng tại châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, với việc Moskva siết dần nguồn cung cấp khí đốt trong bối cảnh châu Âu ra sức cấm vận Nga. Đến giữa tháng 9, khi đốt Nga đã giảm 80% so với đầu năm. Châu Âu đã phải tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt ở nơi khác và phải trả giá cao hơn nhiều. Trong khi mức dự trữ hiện cao và giá khí đốt trên thị trường thế giới đã giảm từ mức đỉnh, chi phí năng lượng mà các hộ gia đình phải trả vẫn còn cao hơn nhiều so với năm ngoái. Tình hình cũng tương tự với giá thực phẩm. Kết quả của những áp lực này, lạm phát trong eurozone đã vượt qua Mỹ. Một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí năng lượng tăng đang dự định cho phép tăng lương, điều có thể dẫn đến vòng xoáy lạm phát.
Lạm phát tăng mạnh đang nhấn mạnh những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đối mặt khi ngày càng có nguy cơ suy thoái trong khu vực đồng euro. Vào cuối tháng 10, ECB đã tăng lãi suất cơ bản lên 1,5%, từ mức 0,75%. Giới đầu tư gần đây nhận ra dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương như FED sẽ xoay trục khỏi các đợt tăng lãi suất lớn, dẫn đến động thái tương tự của ECB. Tuy nhiên, số liệu lạm phát mới công bố làm tăng quan ngại về kỳ vọng đó.
Triển vọng lạm phát những tháng tới tại châu Âu phụ thuộc vào sự sẵn có của nguồn cung cấp khí đốt trong những tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình, cũng như các biện pháp bảo vệ các hộ gia đình khỏi khó khăn. Nhiều nước đã áp trần giá năng lượng mà người tiêu thụ đầu cuối phải trả để kiềm chế lạm phát. Giá năng lượng cao là thách thức lớn với nền kinh tế eurozone năm nay. Nó khiến các hộ gia đình ít chi tiêu hơn cho hàng hóa và dịch vụ, đồng thời làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà máy dùng nhiều năng lượng.
Tuy nhiên, số liệu của Eurostat cũng cho biết kinh tế eurozone quý III vẫn tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ 2021. Nhưng tốc độ đang chậm dần. Nếu như kinh tế quý II tăng 0,8% so với quý I, thì kinh tế quý III chỉ tăng 0,2% so với quý II. Với việc sử dụng năng lượng dự kiến tăng lên khi thời tiết lạnh giá lan rộng, hầu hết nhà kinh tế đều dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ thu hẹp lại trong quý IV và đầu năm sau. ECB sẽ cập nhật các dự báo GDP vào tháng 12, khi các nhà hoạch định chính sách sẽ phải quyết định xem có nên thúc đẩy một đợt tăng lãi suất lớn khác hay điều chỉnh tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 3,5 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 847,2 triệu USD, tăng 20,9% về xuất khẩu và 13,8% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 46,7%), cao su (giảm 32,2%), chè (giảm 45,5%), gạo (tăng 85,6%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 6,0%), hàng rau quả (tăng 18,8%), hàng thủy sản (tăng 40,6%), hạt điều (giảm 16,6%), hạt tiêu (tăng 7,3%), mây, tre, cói và thảm (tăng 2,4%), và sản phẩm từ cao su (giảm 25,2%).
Báo cáo chi tiết xem TẠI ĐÂY.