Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Châu Âu hiện dự kiến sẽ tăng 0,6% trong năm nay so với dự báo trước đó là giảm 0,1%. Theo các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs, lạm phát sẽ giảm nhanh hơn dự kiến, xuống còn khoảng 3,25% vào cuối năm 2023.
Theo chuyên gia kinh tế của Bloomberg, sự gia tăng chi phí năng lượng do xung đột Nga-Ukraine đã khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phải cân nhắc giữa lạm phát tăng vọt và nền kinh tế đang suy yếu. Lãi suất chính sách có thể sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 02/2023, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 03/2023, kèm theo thắt chặt chính sách hơn.
Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã tận dụng được nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông sản sang châu Âu từ việc tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) nhưng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này nhìn chung còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là thị trường Liên minh châu Âu (EU) có điều kiện, tiêu chuẩn rất cao về hàng hóa nông sản nhập khẩu.
Cụ thể, ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hiện EU đang thảo luận về một "Thỏa thuận Xanh" nhằm giảm sự rò rỉ các-bon do việc nhập khẩu nông sản từ các quốc gia có hệ thống sản xuất sử dụng nhiều các-bon. Do đó, việc tiếp cận thị trường EU của các quốc gia xuất khẩu nông sản chắc chắn sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.
Tuy nhiên, hiện nay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận hiệu quả với các yêu cầu tăng trưởng xanh. Theo Báo cáo "Hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh ở Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB), thì nông nghiệp là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia (vào năm 2020). Khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ sản xuất lúa gạo.
Chính vì vậy, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU, ngành nông nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn nữa về các chỉ số tăng trưởng xanh trên cơ sở xây dựng chính sách, lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong nông nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế.
Các nước thành viên EU, trong đó có Nauy đang tăng cường thực hiện chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh EU theo quy định 2022/745 ngày 13/5/2022. Theo đó, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt hàng cam, táo, chuối, kiwi, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, sữa bò, gạo xát vỏ… ngoài việc bị kiểm tra ở cửa khẩu sẽ bị hậu kiểm ngẫu nhiên hàng tại các siêu thị.
Xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tiếp tục khó trong năm 2023 là dự báo đã được đưa ra, tuy nhiên Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU) bước sang năm thứ 3 có hiệu lực được xác định là đối trọng giúp xuất khẩu Việt Nam khắc phục khó khăn.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong năm 2022, Việt Nam đã xuất 4,7 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 11,7% về xuất khẩu và 9,9% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 42,1%), cao su (giảm 33,8%), chè (giảm 32,3%), gạo (tăng 7,7%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 4,8%), hàng rau quả (tăng 23,9%), hàng thủy sản (tăng 20,1%), hạt điều (giảm 15,2%), hạt tiêu (giảm 0,9%), mây, tre, cói và thảm (giảm 8,1%), và sản phẩm từ cao su (giảm 22,9%).
Báo cáo chi tiết xem tại đây.