Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Tháng 9/2022 đánh dấu thời điểm tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đạt mức cao kỷ lục. Theo đó, giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 9 vừa qua tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 9,1% vào tháng 8/2022, mức tăng cao nhất kể từ khi Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) tiến hành thống kê về lạm phát. Lạm phát tại các nước châu Âu cũng chạm mức cao nhất trong vài thập kỷ trở lại đây, đẩy người lao động rơi vào cảnh lao đao. Tỷ lệ lạm phát tại Bỉ trong tháng 9/2022 đã tăng lên mức 11,27%, mức cao nhất kể từ tháng 8/1975. Còn ở Ðức, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu vào tháng 9 vừa qua đã lên mức cao kỷ lục trong vòng 70 năm.
Giá năng lượng và thực phẩm gia tăng là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy lạm phát tăng cao trong nhiều tháng. Những diễn biến căng thẳng ở Ukraine, sự tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu và sản phẩm trung gian làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh năng lượng và lương thực. Liên hiệp Doanh nghiệp châu Âu cảnh báo, chi phí điện và khí đốt tăng cao đang đe dọa trực tiếp hàng nghìn công ty của Liên minh châu Âu (EU) và giới chức cần phải hành động nhanh chóng để giảm thiểu những tác động tiêu cực. Các báo cáo cho thấy, khoảng 70% số cơ sở sản xuất phân bón tại châu Âu đã phải đóng cửa hoặc giảm công suất, trong khi công suất sản xuất nhôm đã giảm tới 50%. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng là một thách thức nghiêm trọng trong những tháng tới, nhất là khi mùa đông lạnh giá đang đến gần, kéo theo nhu cầu cao về năng lượng.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine, những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 và sự gia tăng của biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến an ninh lương thực toàn cầu. Đặc biệt, mùa hè hạn hán ở châu Âu đã tàn phá nền nông nghiệp của khu vực này. Ở miền Bắc Italia, hạn hán nghiêm trọng đến mức những cánh đồng lúa đang khô héo và nông dân phải đối mặt với thu hoạch thấp hơn nhiều so với bình thường. Với các chuỗi cung ứng nông sản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột Nga - Ukraine, các lỗ hổng trong hệ thống cung cấp lương thực của châu Âu đã bị phơi bày.
EU đặt mục tiêu sẽ có những bước tiến lớn trong việc cắt giảm khí thải nhà kính từ nông nghiệp và chuyển đổi hệ thống thực phẩm khai thác. Nông nghiệp “đóng góp” khoảng 10% lượng phát thải khí nhà kính của châu Âu. Các mục tiêu đến năm 2030 cho chiến lược “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) của EU nhằm tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường, trong đó EU đặt ra mục tiêu đạt 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ. Để bảo đảm an ninh lương thực, EU còn vạch ra một kế hoạch hành động gọi là “Làn đường đoàn kết”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa của Ukraine bằng đường bộ và đường thủy nội địa. Ngoài viện trợ khẩn cấp cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương, việc sử dụng càng nhiều đất nông nghiệp càng tốt để sản xuất lương thực và miễn luân canh cây trồng trong năm tới cũng sẽ giúp ích cho nông dân châu Âu. Cùng với đó, EU đang hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gặp rủi ro cao nhất vào thời điểm này.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 3,2 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 754,1 triệu USD, tăng 24,0% về xuất khẩu và 15,7% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 52,9%), cao su (giảm 26,9%), chè (giảm 45,8%), gạo (tăng 82,2%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 4,0%), hàng rau quả (tăng 16,6%), hàng thủy sản (tăng 42,7%), hạt điều (giảm 13,8%), hạt tiêu (tăng 14,0%), mây, tre, cói và thảm (tăng 3,2%), và sản phẩm từ cao su (giảm 27,2%).
Báo cáo chi tiết xem tại đây.