Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Vào giữa tháng 12/2021, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) đã công bố chính thức về tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cụ thể, mức lạm phát đã tăng lên mức kỷ lục 4,9% trong tháng 11/2021, chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt, trong đó, Pháp ghi nhận tỷ lệ lạm phát 3,4% trong tháng trước, mức cao nhất trong 13 năm qua. Tại Đức, tỷ lệ lạm phát trong cùng tháng vượt ngưỡng 5% lần đầu tiên trong 3 thập niên. Ngoài ra, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lao động và chi phí vận chuyển cao càng làm gia tăng gánh nặng đối với các nhà bán lẻ, khiến cho người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hơn trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022. Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định rằng đà tăng mạnh của lạm phát sẽ sớm kết thúc, cụ thể, tỷ lệ lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 11/2021 và sẽ giảm dần trở lại mức mục tiêu 2% trong năm tới.
Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/12 đã đưa ra phần hai của một loạt đề xuất nhằm cắt giảm lượng khí thải trong nền kinh tế trong thập niên này và đưa khối 27 quốc gia này đi đúng hướng trong việc trung hòa khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Theo Ủy ban châu Âu (EC), đề xuất thứ hai này sẽ chú trọng vào khí thải methane và khí đốt. Nhìn chung, đề xuất này nhằm đảm bảo EU, khu vực phát thải lớn thứ ba thế giới, đạt được mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng vào năm 2030, so với mức của năm 1990. Dự đoán đề xuất sẽ phải đối mặt với nhiều tháng đàm phán khó khăn giữa các nước EU và Nghị viện châu Âu trước khi trở thành luật, trong bối cảnh các quốc gia đang chia rẽ về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề khí đốt. Khí đốt chiếm khoảng 25% nguồn năng lượng cho EU, nhưng EC kỳ vọng mức tiêu thụ này sẽ giảm xuống thấp hơn trong những thập niên tới để đáp ứng với các mục tiêu về khí hậu. EC dự kiến sẽ đề xuất một hệ thống cho phép các quốc gia cùng mua khí đốt để hình thành nguồn dự trữ chiến lược, trong đó các quốc gia như Tây Ban Nha và Pháp cam kết sẽ hỗ trợ đảm bảo nguồn cung. Ngoài ra, EU cũng dự kiến sẽ phải cải tạo hàng triệu tòa nhà của mình trong thập niên này để tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Các quy định hải quan mới hậu Brexit đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) sang Anh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Cụ thể, từ ngày 1/1, các công ty nhập khẩu phải làm đầy đủ các thủ tục thông quan cho hàng hóa nhập khẩu vào Vương quốc Anh từ EU hoặc các nước khác. Các doanh nghiệp sẽ không được phép trì hoãn việc hoàn tất thông quan nhập khẩu đầy đủ đến 175 ngày như trước. Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Anh nhận định các quy định hạn chế mới đối với các sản phẩm động thực vật từ EU có thể gây ra tình trạng chậm trễ tại các cảng trong dịp Năm mới vì nhiều công ty trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là những công ty logistics ở phía EU, có thể không kịp chuẩn bị cho những thay đổi này. Các quy định mới này yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn tất các giấy tờ cần thiết ít nhất là bốn tiếng trước khi hàng hóa được vận chuyển đến biên giới của Vương quốc Anh, nếu không hàng hóa sẽ phải quay đầu. Các sản phẩm động thực vật còn phải có giấy chứng nhận xuất xứ. Kim ngạch thực phẩm Anh nhập khẩu từ EU cao gấp 5 lần kim ngạch thực phẩm nước này xuất khẩu sang EU. Anh đã rời khỏi liên minh hải quan và thị trường chung của EU vào ngày 31/12/2020. Các quy định mới nói trên có hiệu lực chậm hơn so với dự kiến ban đầu vì những tác động của đại dịch Covid-19 cũng như do các doanh nghiệp đề xuất vì họ cho biết họ cần thêm thời gian chuẩn bị.
Liên minh châu Âu (EU) hiện là khu vực thị trường nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới. Với dung lượng nhập khẩu hàng năm lớn, đa dạng về chủng loại, EU được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các nước xuất khẩu nông sản. Nền kinh tế EU được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, giúp nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tương đối ổn định. Các mặt hàng nông sản thường được nhập khẩu trực tiếp vào Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ sau đó được bảo quản đông lạnh và vận chuyển đi các nước EU khác thông qua các công ty phân phối của EU. Các thị trường ngoại khối nhập khẩu chủ yếu vào EU là: Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Ma-rốc, Peru, Việt Nam. Kỳ vọng trong năm 2022 khi dịch bệnh tạm lắng hơn, hoạt động nhập khẩu nông sản vào EU sẽ tăng mạnh trở lại sau khoảng thời gian chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hoạt động logistics bị gián đoạn.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu gần 3,6 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu gần 0,9 tỷ USD, tăng 12,5% về xuất khẩu và 20,6% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với 11 tháng năm 2020 cụ thể như sau: cà phê (0,1%), cao su (96,7%), chè (39,1%), gạo (19,3%), gỗ & sản phẩm gỗ (20,4%), hàng rau quả (7,3%), hàng thủy sản (10,5%), hạt điều (3,5%), hạt tiêu (77,3%), mây, tre, cói và thảm (44,9%), và sản phẩm từ cao su (25,4%).
Báo cáo chi tiết xem tại đây.