Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 11/2021
13 | 12 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Ngày 30/11, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 11/2021. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 4,1% ghi nhận trong tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi cơ quan thống kê này bắt đầu thu thập dữ liệu trong vòng 25 năm qua. Trong đó, giá năng lượng tăng đột biến là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng tại châu Âu. Tháng 11 vừa qua, giá năng lượng tại châu Âu đã tăng thêm 27,4% so với số liệu của cùng kỳ năm 2020. Trước đó, giá năng lượng cũng đã tăng 23,7% trong tháng 10 trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, kéo theo nhu cầu nhảy vọt.

Theo số liệu được Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) vừa công bố cho thấy, trong tháng 11/2021, lạm phát tại quốc gia này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 29 năm qua. Giá tiêu dùng tại Đức đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự tại Pháp, quốc gia này cũng ghi nhận tỷ lệ lạm phát lên tới 3,4% trong tháng 11, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn ước tính lạm phát ở Eurozone sẽ là 2,2% trong cả năm, mặc dù ECB đã thừa nhận về khả năng lạm phát có thể còn cao hơn. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng tình trạng giá cả gia tăng gần đây ở nhiều nước thuộc khu vực Eurozone chỉ là hậu quả tạm thời của sự gián đoạn kinh tế và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do tình trạng khủng hoảng y tế toàn cầu gây ra. Tại cuộc họp chính sách vừa qua, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%. Các thống đốc ECB cũng nhất trí giữ nguyên chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro. Uỷ ban châu Âu cũng nhận định, giá cả tăng cao là do chịu ảnh hưởng của những yếu tố mang tính tạm thời, song xu hướng này có thể giảm trong nửa đầu năm 2022. Uỷ ban châu Âu cho rằng, những nút thắt về nguồn cung sẽ dần được gỡ bỏ, theo đó lạm phát sẽ trở lại dưới 2% và giá năng lượng sẽ giảm dần và ổn định trong năm tới.

ECB đánh giá, nền kinh tế Eurozone đang phục hồi sau cuộc đại suy thoái về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra nhờ chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đang được triển khai rộng rãi. ECB nhấn mạnh, nền kinh tế của khu vực sẽ quay trở lại mức trước đại dịch trong quý I/2022. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lạm phát tăng đang tạo sức ép đối khiến ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạn chế triển khai các chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn, với việc các thị trường lo ngại rằng giới hoạch định chính sách có thể sớm cắt giảm lãi suất nhằm kìm hãm giá cả leo thang.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/11 đã đề xuất một dự thảo luật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng có liên quan đến nạn phá rừng. Theo dự thảo luật này, các công ty phải chứng minh chuỗi cung ứng toàn cầu của họ không góp phần vào việc tàn phá rừng. Nếu các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) không tuân thủ, mỗi công ty có thể bị phạt tới 4% doanh thu. Dự thảo luật đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc đối với các nhà nhập khẩu đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao và cà phê, da thuộc, sô cô la và đồ nội thất. Nếu luật được các chính phủ EU và Nghị viện châu Âu thông qua, các công ty hoạt động trong 27 quốc gia thuộc EU sẽ phải chứng minh các mặt hàng được liệt kê ở trên không liên quan đến bất kỳ việc phá rừng nào từ 31/12/2020, ngay cả khi hoạt động sản xuất này là hợp pháp theo luật của nước sản xuất.

Trong tháng 11/2021, Liên minh Châu Âu cũng đưa ra quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa đối với amisulbrom, flubendiamide, meptyldinocap, metaflumizone và propineb trong hoặc trên các sản phẩm sẽ áp dụng từ  ngày 14 tháng 5 năm 2022; với flupyradifurone (trong lá nho) và axit difluoroacetic (trong ngô, hạt ca cao và gan lợn) từ ngày 10 tháng 5 năm 2022.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu gần 3,3 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu hơn 0,8 tỷ USD, tăng 9,2% về xuất khẩu và 20,8% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020; các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê có xu hướng giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cao su, chè, gạo, gỗ & sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hàng thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, mây, tre, cói và thảm, và sản phẩm từ cao su tăng với tốc độ lần lượt là: 105,8%, 30,8%, 12,9%, 19,0%, 5,3%, 6,2%, 2,1%, 68,8%, 42,3%, và 33,4%.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.

 



Báo cáo phân tích thị trường