Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Kinh tế các nước khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang trên đà phục hồi nhờ chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai rộng rãi. Vào tháng 9/2021, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021, cao hơn mức 4,6% được đưa ra trong dự báo trước đó. Trong khi đó, ECB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực vào năm 2022 xuống 4,6% từ mức 4,7% trong dự báo trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 sẽ không thay đổi, vẫn ở mức 2,1%.
ECB cũng quyết định duy trì các lãi suất chủ chốt ở thời điểm hiện tại nhằm hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ECB cũng cho biết, dựa trên đánh giá chung về các điều kiện tài chính và triển vọng tình hình lạm phát, Hội đồng thống đốc ECB quyết định sẽ giảm nhịp độ thu mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) so với 2 quý trước đó. Thông báo này được ECB đưa ra trong bối cảnh lạm phát của khu vực Eurozone tăng lên hơn 3% trong tháng 8, mức cao nhất trong 10 năm qua, vượt mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra. Nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB dự đoán lạm phát của Eurozone sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, trước khi giảm trở lại. Tuy nhiên, ECB cho rằng lạm phát cao hơn ở Khu vực Eurozone gần đây chủ yếu là do "các yếu tố tạm thời" liên quan đến đại dịch và sẽ không thúc giục ECB sớm thắt chặt chính sách tiền tệ siêu lỏng. Chương trình PEPP có trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) là công cụ chính của ECB để giúp đỡ các nước thành viên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch COVID-19 và hướng tới duy trì tín dụng giá rẻ cho toàn khối. ECB nhấn mạnh linh hoạt trong hỗ trợ kinh tế Eurozone và sẵn sàng điều chỉnh các công cụ hỗ trợ khi cần thiết.
ECB đánh giá nền kinh tế Eurozone đang phục hồi sau cuộc đại suy thoái về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, dự báo nền kinh tế của khu vực sẽ quay trở lại mức trước đại dịch trong quý I/2022. Tuy nhiên, ECB cũng cảnh báo, đại dịch Covid-19 với biến thể Delta tiếp tục "phủ bóng" lên quá trình phục hồi các nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Hiện tại, ECB đang duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%. Ngoài ra, Ngân hàng có kế hoạch duy trì lãi suất ở mức thấp hiện tại cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu 2% trong khoảng thời gian dài. ECB đã nâng mục tiêu lạm phát từ mức “thấp hơn nhưng gần 2%” lên mục tiêu 2% trong trung hạn, có nghĩa là cho phép lạm phát ở một số thời điểm có thể vượt quá mức trên dù “không mong muốn”.
Thỏa thuận cải cách Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) đã được Ủy ban Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Liên minh Châu Âu (EU) thông qua vào ngày 9/9 vừa qua. Nếu không có sự thay đổi, cải cách này được EU biểu quyết trong phiên họp toàn thể và sau đó được thông qua Hội đồng trước khi có hiệu lực vào tháng 01/2023. CAP có các mục tiêu sau: tăng năng suất nông nghiệp; đảm bảo công bằng cho nông dân; bình ổn thị trường; đảm bảo an ninh nguồn cung; đảm bảo mức giá hợp lý cho người tiêu dùng; bảo vệ môi trường. Nông nghiệp của EU phát thải khoảng 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do đó, kỳ vọng cải cách này sẽ giúp cho các trang trại của EU thân thiện với môi trường hơn trong tương lai.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,6 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu gần 0,7 tỷ USD, tăng 9,9% về xuất khẩu và 20,3% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020; các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê và hạt điều có xu hướng giảm 8,1% và 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cao su, chè, gạo, gỗ & sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hàng thủy sản, hạt tiêu, mây, tre, cói và thảm, và sản phẩm từ cao su tăng với tốc độ lần lượt là: 127,0%, 66,9%, 11,8%, 29,8%, 9,5%, 9,9%, 57,6%, 51,4% và 58,6%.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.