Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN SANG EU THÁNG 2.2021
11 | 03 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Tình hình kinh tế chung: Ủy ban Châu Âu (EC) vào tháng 02/2021 đã đưa ra mức tăng trưởng GDP của 19 quốc gia trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) dự kiến sẽ đạt 3,8% trong năm nay và phục hồi muộn hơn so với hy vọng ban đầu. Con số này giảm so với mức dự báo 4,2% cho năm 2021 mà cơ quan này đưa ra vào cuối năm 2020. EC dự báo Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 và 3,9% vào năm 2022. Các quan chức kỳ vọng rằng nền kinh tế châu Âu sẽ đạt mức tương đương trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022, nhanh hơn so với dự đoán trước đó, mặc dù mức độ phục hồi sẽ không đồng đều giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, các dự báo tăng trưởng kinh tế này chưa tính đến những tác động từ kế hoạch phục hồi lớn của khối. Chương trình này sẽ bơm 750 tỷ euro vào nền kinh tế châu Âu thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại và khoản vay, dự kiến sẽ được triển khai trong năm nay. Do đó, kỳ vọng mức tăng trưởng thực tế của EU sẽ cao hơn so với dự đoán trên.

Tổng hợp một số điểm tin liên quan đến nông nghiệp của thị trường EU trong tháng 02/2021 như sau:

  • Gần đây, EC đã đưa ra kết quả điều tra về kỳ vọng của người dân EU đối với thực phẩm. Trong đó chỉ rõ mùi vị, an toàn thực phẩm và chi phí là những yếu tố chính tác động trực tiếp đến hành động mua hàng của người dân. Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra đối với người dân EU, thực phẩm “bền vững” thường được liên tưởng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, và ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; trong khi chỉ có khoảng 20% liên hệ đến vấn đề công bằng lợi nhuận cho người sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường.
  • EU và Nhật Bản đã đưa thêm 28 nhãn hiệu thực phẩm vào danh sách Chỉ dẫn địa lý của mỗi bên được bảo hộ dưới Hiệp định Đối tác Kinh tế EU-Nhật Bản. Các nhãn hiệu mà Nhật Bản cam kết với EU bao gồm các sản phẩm như phô mai, tinh dầu, sản phẩm có nguồn gốc động vật (trứng, mật ong…), thịt hun khói, bơ, bánh quy, dầu oliu, rượu. Còn các nhãn hiệu mà EU cam kết với Nhật Bản bao gồm các sản phẩm như hành, củ cải trắng, mỳ soba, cần tây, cà chua, khoai lang, đậu phụ đông lạnh, thịt bò, khoai môn, cua, súp lơ xanh, thịt gà, thị bò, hồng Nhật Bản, ngưu bang, nho, măng tây, đậu tương, rau củ ngâm, dưa hấu, cà rốt, rượu.
  • EC đã đưa ra chương trình xúc tiến thương mại thực phẩm cho năm 2021 trị giá 182,9 triệu Eur. Trong đó, 86 triệu Eur sẽ được dành cho các chiến dịch sản xuất hữu cơ, sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ngoài ra các thị trường trọng tâm cho xúc tiến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Mexico. Các sản phẩm trọng tâm sẽ là sữa và sản phẩm từ sữa, dầu oliu và rượu.
  • EC đã công bố Kế hoạch Đánh bại Ung thư của Châu Âu. Một phần của kế hoạch bao gồm các hành động được thực hiện bởi EU và các Quốc gia Thành viên nhằm tăng cường công tác phòng chống ung thư trên toàn Liên minh. Điều này bao gồm giảm tiêu thụ rượu có hại, nâng cao tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh, xem xét lại các chương trình xúc tiến sản phẩm nông nghiệp, nghiên cứu các biện pháp thuế đối với đường và nước giải khát, và giảm tiếp cận đối với các thực phẩm có chứa các loại chất độc hại.
  • USDA đánh giá nhu cầu thực phẩm hữu cơ tại EU vẫn tiếp tục tăng lên. Thực tế, EU là thị trường tiêu thụ thực phẩm hữu cơ lớn thứ hai thế giới với tổng bán lẻ ước tính khoảng 51,8 tỷ USD vào năm 2019, tăng 14% so với năm 2019 và gấp 2 lần so với 10 năm trước đó. Thị trường tiêu thị thực phẩm hữu cơ lớn nhất trong EU là Đức và Pháp với ước tính khoảng hơn 14 tỷ USD/nước. Tiếp đến là Italy với khoảng gần 4 tỷ USD và Thụy Điển với hơn 3 tỷ USD. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 còn khiến cho nhu cầu thực phẩm hữu cơ tăng mạnh. Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng buộc phải nấu nướng nhiều hơn ở nhà thay vì ăn ngoài trong thời kỳ phong tỏa. Do đó, họ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm tốt cho sức khỏe nhiều hơn để nấu ăn cho chính mình và gia đình.

Về thương mại NLTS với Việt Nam, trong tháng 01/2021, Việt Nam đã xuất khẩu 327,7 triệu USD sang EU, trong khi nhập khẩu 95,8 triệu USD, tăng 13,2% về xuất khẩu và 76,6% về nhập khẩu so với tháng 01/2020. Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê, chè, gạo và rau quả có xu hướng giảm xuất khẩu với tốc độ -11,9%, -68,0%, -32,7% và -2,2%, trong khi cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm mây tre cói và thảm, sản phẩm từ cao su có xu hướng tăng với tốc độ 123,3%, 23,4%, 28,2%, 25,9%, 61,4%, 50,7% và 147,0% so với tháng 1/2020.

Bản tin chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường