Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN SANG EU THÁNG 3.2021
12 | 04 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công mạnh vào ngành du lịch của châu Âu, nhất là nhiều nước trong khu vực có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch. Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên hiệp châu Âu (Eurostat) ngày 15-3 cho hay, số đêm du khách lưu trú tại châu Âu đã giảm 52% so với năm 2019 do các biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Đây là mức giảm chưa từng có của ngành du lịch châu Âu, cho thấy du lịch tiếp tục là ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, cung cấp 27 triệu việc làm cho các quốc gia EU, và đóng góp khoảng 10% GDP của khu vực này.

EC mới đưa ra báo cáo Triển vọng ngắn hạn cho Nông nghiệp EU, trong đó có nhận định về triển vọng một số loại nông sản trong năm 2020/21 như sau: ngũ cốc của EU ước đạt 295,2 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm ngoái; các loại hạt có dầu đạt 16,7 triệu tấn, tăng 3,4%; sản lượng đường giảm xuống mức 14,4 triệu tấn, thấp nhất trong 5 năm gần đây; táo vẫn giữ mức khoảng 11,5 triệu tấn; cam đạt 6,6 triệu tấn, 8% cao hơn năm trước; sữa tăng khoảng 1%, sản lượng thịt bò giảm khoảng 0,9%; sản lượng thịt heo giảm 0,7%; sản lượng gia cầm tăng 1%; sản lượng dê và cừu tăng 2%.

Vào cuối tháng 2/2021, EU đã đưa ra bản cập nhật về Chiến lược Thích nghi biến đổi khí hậu đã đưa ra từ năm 2013. Trong bản cập nhật này, chiến lược đề xuất tăng cường áp dụng các giải pháp thích nghi hướng tới thiên nhiên hơn. Ví dụ: bảo vệ và gìn giữ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, bờ biển, và đại dương; phát triển không gian xanh đô thị; thúc đẩy và quản lý rừng và đất nông nghiệp bền vững…

Từ năm 2001, nhằm ngăn sự lây lan của bệnh viêm não thể bọt biển có thể lây sang người (hay còn gọi là bệnh bò điên), EC đã đưa ra quy tắc 2001 BSE cấm việc sử dụng protein có nguồn gốc động vật (PAP) vào thức ăn chăn nuôi. Từ đó đến nay, EC mới cho phép sử dụng PAP (không có nguồn gốc từ loài nhai lại như là lợn và gia cầm) trong thức ăn nuôi thủy sản. Tuy nhiên EC đang xem xét có thể nới lỏng hơn nữa, cụ thể là bỏ hẳn quy định cấm này đối với thức ăn chăn nuôi cho lợn và gia cầm.

Về thương mại NLTS với Việt Nam, trong hai tháng 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 571,2 triệu USD sang EU, trong khi nhập khẩu 168,2 triệu USD, giảm 6,8% về xuất khẩu và tăng 45,7% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Trong 2 tháng 2021, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê, gạo, rau quả, thủy sản và hạt điều có xu hướng giảm xuất khẩu với tốc độ -27,0%, -45,2%, -15,3%, -7,7% và -11,9% trong khi cao su, chè, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hạt tiêu, sản phẩm mây tre cói và thảm, sản phẩm từ cao su có xu hướng tăng với tốc độ 60,3%, 149,4%, 10,2%, 15,7%, 19,7% và 99,0%.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường