Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng trong tháng 5/2021, đạt mức 2,3%, so với mức tương ứng 2% trong tháng 4/2021. Eurostat cho biết, tỷ lệ lạm phát thấp nhất được ghi nhận là của Hy Lạp (-1,2%), Malta 0,2% và Bồ Đào Nha 0,5%. Tỷ lệ lạm phát cao nhất thuộc về Hungary với 5,3%, Ba Lan 4,6% và Luxembourg 4%. Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng đột biến và việc có thêm nhiều dịch vụ đắt đỏ hơn đã thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng tại châu Âu. Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát của Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - trong tháng 5/2021 đã tăng lên mức cao nhất trong một thập niên, do giá nhiên liệu tăng lên và những hiệu ứng chỉ xảy ra một lần liên quan đến đại dịch COVID-19. Cơ quan Thống kê Liên bang Đức Destatis cho biết giá tiêu dùng tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái khi Đức phục hồi sau đợt bùng phát dịch COVID-19 và tăng khoảng 0,5% so với tháng 4/2021. Lạm phát của Đức đã tăng đều đặn kể từ đầu năm nay, chủ yếu do việc áp thuế carbon và kết thúc đợt cắt giảm thuế bán hàng kéo dài 6 tháng nhằm giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.
Hoạt động kinh doanh của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 6/2021 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm khi các chính phủ tại đây nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch và nhu cầu bị dồn nén được giải phóng đã thúc đẩy sự bùng nổ trong ngành dịch vụ - vốn đóng góp rất nhiều vào hoạt động kinh tế của khối này. Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng Tổng hợp nhanh (PMI) - một chỉ số về sức khỏe của nền kinh tế Eurozone – đã tăng từ 57,1 lên 59,2 trong tháng này. Đây mức cao nhất kể từ tháng 6/2006 và vượt kết quả thăm dò của hãng tin Reuters là 58,8. Xu hướng ngày càng lan rộng từ lĩnh vực chế tạo sang lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là các công ty có hoạt động giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng. Vào cùng giai đoạn, PMI sơ bộ của lĩnh vực dịch vụ Eurozone đã tăng từ mức 55,2 lên 58,0 - cao nhất kể từ tháng 1/2018 và vượt dự báo của Reuters là 57,8. Chỉ số về hoạt động kinh doanh mới cũng leo lên mức cao nhất trong 14 năm là 57,7 từ mức 56,6. Đây là chỉ số cho thấy đà tăng có thể còn tiếp tục. Trong khi đó, việc mở rộng hoạt động của lĩnh vực chế tạo tương đương với tốc độ kỷ lục của tháng Năm với ước tính PMI sơ bộ của tháng Sáu khớp với kết quả cuối cùng của tháng trước đó là 63,1. Nhưng sự gián đoạn nguồn cung và nhu cầu lớn đã khiến Eurozone trở thành thị trường do bên bán chi phối đối với các nguyên liệu thô mà các nhà máy cần. Chỉ số giá đầu vào sản xuất tăng từ 87,1 lên 88,0 - mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 6/1997. Chỉ số đầu ra cũng được nâng từ 62,2 lên 62,4 trong cùng giai đoạn.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tại EU, vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai rộng rãi và nhiều chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát, kinh tế EU đã phát đi những dấu hiệu khởi sắc. Hoạt động sản xuất liên tục tăng trưởng trong những tháng gần đây, cho thấy nền kinh tế EU đang hồi phục mạnh mẽ. Những dấu hiệu phục hồi kinh tế thể hiện rõ khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã dần thích ứng với tình hình dịch bệnh, vừa sản xuất, vừa chống dịch, thay cho việc giãn cách, "đóng băng" thương mại của hồi đầu dịch bệnh. Hiện tại, Hiệp hội công nghiệp Đức đã thúc đẩy kế hoạch nới lỏng biện pháp phòng dịch bắt buộc trong các ngành sản xuất, đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Trong đó, cùng với việc đệ trình kế hoạch 10 điểm lên Chính phủ liên bang, đề xuất các bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, Hiệp hội công nghiệp Đức đã đồng thời đề xuất mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế theo từng bước, phù hợp với việc dỡ bỏ dần các quy định phòng dịch trên cơ sở tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19. Để khôi phục kinh tế, Italia và Tây Ban Nha đã quyết định mở cửa nền kinh tế sớm hơn ngay khi đại dịch COVID-19 dịu lại ở EU. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh khởi sắc trở lại. Bên cạnh đó, nền kinh tế của nhiều nước thuộc EU cũng đang phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào quỹ đạo, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dần tăng lên. EU đang bước qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19.
Từ trước đến nay, EU là thị trường tiềm năng mà các DN Việt luôn tìm hướng chinh phục. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký kết, đây chính là cơ hội để Việt Nam gia nhập thị trường cao cấp này. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều đứt gãy. Khi dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát tại EU, các doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng tại khối kinh tế này, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thủy sản. Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam, trong 5 tháng 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 1568,8 triệu USD sang EU, trong khi nhập khẩu 415,2 triệu USD, giảm 0,7% về xuất khẩu nhưng tăng 25,3% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Trong 5 tháng 2021, về các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê và hạt điều có xu hướng giảm 21,8% và 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cao su, chè, gạo, gỗ & SP gỗ, hàng rau quả, hàng thủy sản, hạt tiêu, mây, tre, cói và thảm, và SP từ cao su tăng với tốc độ lần lượt là: 93,8%, 136,0%, 5,9%, 38,3%, 4,5%, 17,9%, 37,2%, 70,3%, và 77,0%.