Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN SANG EU THÁNG 8.2021
15 | 09 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 17/8, nền kinh tế châu Âu trở lại tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2 năm nay, nhờ những tiến triển trong việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và việc dỡ bỏ dần các hạn chế về sức khỏe. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong quý 2/2021 tăng 2% so với quý 1/2021, sau hai quý giảm liên tiếp, phù hợp với ước tính đầu tiên được công bố vào cuối tháng 7/2021. Đối với toàn Liên minh châu Âu (EU), mức tăng trưởng kinh tế đạt 1,9%. Trong số các quốc gia hàng đầu châu Âu, Pháp ghi nhận mức tăng thấp nhất (tăng 0,9%), xếp sau Tây Ban Nha (tăng 2,8%), Italy (tăng 2,7%) và Đức (tăng 1,5%). Riêng Bồ Đào Nha có mức tăng GDP cao nhất với mức tăng 4,9%. Với mức tăng trưởng này, kinh tế Eurozone cho thấy hoạt động tốt hơn Mỹ (tăng 1,6%) và Trung Quốc (tăng 1,3%).

Sự cải thiện trong tăng trưởng đã có những tác động trở lại thị trường việc làm. Theo Eurostat, số người có việc làm tăng 0,5% ở Eurozone và tăng 0,6% ở EU trong giai đoạn từ tháng 4-6/2021, sau khi giảm 0,2% trong giai đoạn từ tháng 1-3/2021. Số việc làm ở Eurozone trong quý 2/2021 đã tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở Châu Âu, trong bối cảnh sự lây lan mạnh của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, GDP sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào quý 4/2021. Các quốc gia phía Nam châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ngành du lịch phải đóng cửa vì đại dịch. Việc phục hồi sẽ thậm chí phải đợi đến nửa cuối năm 2022.

Ngày 16/8, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận cho phép Quỹ Bảo lãnh châu Âu, do Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) quản lý, bảo lãnh cho các đợt chứng khoán hóa để giúp các doanh nghiệp tại 22 quốc gia thành viên EU chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Chứng khoán hóa là nghiệp vụ phát hành những công cụ tài chính mới bằng cách kết hợp các tài sản tài chính khác lại với nhau, sau đó bán những sản phẩm này cho các nhà đầu tư. Quá trình này có thể bao gồm bất cứ loại tài sản tài chính nào và thúc đẩy tính thanh khoản trên thị trường. Ủy ban châu Âu (EC) còn cho biết với ngân sách dự kiến 1,4 tỷ euro (1,65 tỷ USD), những sản phẩm mới sẽ giúp huy động ít nhất 13 tỷ euro cho vay mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Lạm phát trong khu vực đồng Euro tăng trở lại vào tháng 8, cao hơn mức 2,2% trong tháng 7. Điều này xảy ra sau khi Đức báo cáo giá tiêu dùng cao nhất kể từ năm 2008, đạt 3,4% trong tháng 8. Pháp cũng báo cáo tỷ lệ lạm phát cao nhất trong gần 3 năm vào ngày 31/8/2021. Nguyên nhân chính do các hộ gia đình ở khu vực đồng Euro đã tích lũy được khoản tiết kiệm dư thừa đáng kể trong thời gian phong tỏa ngắn hạn. Một số quan ngại cho rằng lạm phát hiện đã tăng hơn mức cao nhất 2,6% mà ECB đã dự đoán cho quý IV/2021. Với khả năng lạm phát tăng cao hơn nữa cho đến tháng 11, ECB gần như chắc chắn sẽ phải nâng dự báo lạm phát tại cuộc họp vào ngày 09/9.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,3 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu gần 0,6 tỷ USD, tăng 11,4% về xuất khẩu và 22,7% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Trong 7 tháng đầu năm 2021, về các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê và hạt điều có xu hướng giảm 11,6% và 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cao su, chè, gạo, gỗ & SP gỗ, hàng rau quả, hàng thủy sản, hạt tiêu, mây, tre, cói và thảm, và SP từ cao su tăng với tốc độ lần lượt là: 125,1%, 85,3%, 12,7%, 36,1%, 11,0%, 17,8%, 53,2%, 62,7%, và 67,8%.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường