Nguồn: Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại các nước khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tháng 9/2021 đã đạt 3,6%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 8/2021. Lạm phát trong tháng 9/2021 đã vượt mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong tháng thứ hai liên tiếp. Cho đến nay, ECB vẫn ước tính lạm phát ở Eurozone sẽ là 2,2% trong cả năm, mặc dù đã thừa nhận vào cuối tháng 9/2021 về khả năng lạm phát có thể còn cao hơn. Trong năm tới, ECB dự kiến lạm phát sẽ trở lại dưới 2%.
Nguyên nhân chính của lạm phát chủ yếu là do giá năng lượng tăng lên bởi nhu cầu cao trong khi nguồn cung thiếu hụt vì tác động của thiên tai cũng như sự trì hoãn nâng cấp cơ sở hạ tầng gây ra bởi đại dịch Covid-19. Giá năng lượng tăng đã tác động lên mức giá của tất cả các mặt hàng khác, khiến giá tiêu dùng tại các quốc gia thành viên tăng trong khoảng 0,7% đến 6,4%.
Đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng, hầu hết các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đều đã lên kế hoạch dự phòng để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo. Ví dụ như: (i) Pháp đã quyết định đóng băng giá khí đốt cho đến cuối năm 2022, trong khi đợt tăng giá điện tiếp theo vào tháng 2 sẽ được giới hạn ở mức 4% bằng cách cắt giảm thuế. Pháp còn hỗ trợ 100 euro cho 6 triệu hộ gia đình có mức thu nhập trước thuế dưới 2.000 euro để thanh toán hóa đơn tiền điện vào tháng 12/2021; (ii) Bỉ đã quyết định gia hạn thời gian áp dụng biểu giá năng lượng xã hội cho các hộ gia đình nghèo cho đến tháng 3/2022. Biện pháp này đi kèm với một tấm séc năng lượng trị giá 80 euro sẽ được gửi vào mùa Thu cho 1 triệu gia đình; (iii) Đức cắt giảm gần 50% thuế đối với năng lượng tái tạo, một loại thuế liên quan đến tất cả người tiêu dùng; (iv) Ba Lan đã chi ngân sách tối đa 1,1 tỷ euro cho năm 2022 để hỗ trợ những người về hưu và các gia đình đông con nói riêng ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng; (v) tại Latvia, kể từ tháng 11/2021 cho đến ít nhất là cuối năm 2022, khoảng 150.000 hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất, những hộ có người khuyết tật và các gia đình đông con, sẽ nhận được từ 15 đến 20 euro mỗi tháng để thanh toán tiền điện hoặc khí đốt; (vi) Estonia sẽ huy động khoảng 75 triệu euro để giảm hóa đơn tiền điện cho tất cả người tiêu dùng và 20 triệu để giúp đỡ khoảng 72.000 gia đình thuộc nhóm nghèo nhất, từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022; (vii) Séc bãi bỏ thuế VAT đối với điện và khí đốt trong tháng 11 và 12/2021, đồng thời đã thông qua dự luật hủy bỏ thuế này vào năm 2022. Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp trên thì Séc vẫn cần sự cho phép của EU; (viii) từ tháng 9/2021, Italy đã công bố ngân sách 3 tỷ euro để cố gắng giảm tác động của việc tăng giá đối với sức mua của người Italy. Khoảng 2,6 triệu người đã được hưởng lợi từ "tiền thưởng xã hội" và sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá xăng tăng. Đối với những loại khác, thuế VAT sẽ giảm xuống còn 5%.
Dự gia tăng của các ca nhiễm mới ở khu vực Đông Âu, đặc biệt là các nước vùng Baltic, đang khiến hệ thống y tế nơi đây chịu áp lực ngày càng lớn, buộc chính phủ những nước này lại phải đưa ra các biện pháp hạn chế về phòng dịch. Theo thống kê của Reuters đến ngày 24-10, số ca mắc Covid-19 tại khu vực Đông Âu đã gần chạm ngưỡng 20 triệu với trung bình hơn 83.000 ca mỗi ngày. Thực tế, đây là cũng là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Châu Âu với chưa đến 50% người dân đã tiêm hết một liều. Ví dụ như: Hungary có tỉ lệ tiêm ngừa cao nhất (59%), trong khi Ukraine chỉ mới tiêm được cho 16% người dân. Bulgaria chỉ mới tiêm được cho 20% dân số và Romania cũng mới khoảng 30%... Ngoài các vấn đề liên quan tiêm chủng, Châu Âu cũng đang lo lắng với biến thể mới của chủng Delta, AY.4.2 - còn gọi là "Delta Plus" với khả năng lây nhiễm mạnh hơn.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau thị trường Hoa Kỳ). Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thương mại toàn cầu, với Hiệp đinh EVFTA, EU đã tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng vào thị trường này. Tuy nhiên, đây là một thị trường khó tính, do đó nông sản Việt Nam cần khắc phục hơn nữa các hạn chế về chất lượng, cũng như mẫu mã bao bì. Trong tháng 10/2021, một số sản phẩm gạo, mướp đắng, thủy sản có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định của EU. Trước đó, EU cũng đã đưa ra cảnh cáo với sản phẩm đùi ếch đông lạnh, bưởi…
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,9 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu hơn 0,7 tỷ USD, tăng 9,5% về xuất khẩu và 22,8% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020; các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, cà phê có xu hướng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cao su, chè, gạo, gỗ & sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hàng thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, mây, tre, cói và thảm, và sản phẩm từ cao su tăng với tốc độ lần lượt là: 125,5%, 49,0%, 10,6%, 24,4%, 6,9%, 6,1%, 2,4%, 64,0%, 45,7% và 44,6%.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.