Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 6/2022
15 | 07 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết mức tăng giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro là 8,6% trong tháng 6-2022, nhảy vọt so với kỷ lục cũ 8,1% của tháng trước. Sự tăng tốc của lạm phát cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối ngày càng tăng mạnh. Mặc dù dữ liệu từ Đức gây bất ngờ khi cho thấy lạm phát so với tháng trước giảm 0,5%. Nhưng giới chuyên gia nói rằng đó là do các biện pháp trợ cấp của Chính phủ Đức nhằm giảm bớt ảnh hưởng của giá năng lượng cao, còn sự leo thang của lạm phát thực chất vẫn chưa dừng lại. Hiện Pháp và Tây Ban Nha đều chứng kiến mức lạm phát kỷ lục trong tháng 6. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Tây Ban Nha thậm chí vượt ngưỡng 10% lần đầu tiên kể từ năm 1985. Các nước Baltic vẫn là các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do xu hướng tăng giá - Estonia có mức lạm phát 22%, Lithuania lạm phát 20,5% và Latvia lạm phát 19% - do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nước ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, giá tiêu dùng khu vực đồng tiền chung châu Âu liên tục lập kỷ lục do giá năng lượng tăng cao. Giá năng lượng ở đây đã tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước, do hậu quả của chiến sự Nga - Ukraine. Ngoài giá năng lượng, giá lương thực cũng tăng 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong nền kinh tế. Thực phẩm chưa qua chế biến, như rau và trái cây, cũng tăng đáng kể với mức 11,1% do giá khí đốt cao khiến phân bón đắt đỏ hơn. Không một quốc gia nào trong khu vực sử dụng đồng euro không bị ảnh hưởng của lạm phát, vốn chưa bao giờ cao như hiện nay. Vấn đề này đã trở thành một thách thức vô cùng cấp bách và phức tạp với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẽ làm tất cả những gì cần làm để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu, mà cụ thể là đưa giá năng lượng và thực phẩm về tầm kiểm soát. ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ trong tháng 7 này. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng Lạm phát ở khu vực đồng euro đang lan rộng hơn, triển vọng cho phần còn lại của năm 2022 với khu vực này sẽ tiếp tục ảm đạm. Trong bối cảnh đó, kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga ngày càng cho thấy nước này sẵn sàng cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, một nguy cơ khiến khu vực đồng euro có thể sẽ không có đủ khí đốt cho mùa đông tới. 

Hàng năm EU chi khoảng 1.000 tỉ USD cho thực phẩm và đồ uống. Trong đó, nhập khẩu khoảng 300 tỉ USD. Thị trường EU cũng là một trong 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 4 nước khu vực châu Á đã ký Hiệp định Thương mại tự do với EU; vì vậy, cơ hội để Việt Nam khai thác thị trường EU là rất lớn. Mặc dù vậy, tỷ trọng một số ngành hàng của Việt Nam trong việc khai thác thị trường này vẫn thấp. Đáng chú ý, Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường này phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Cụ thể, đối với mặt hàng rau quả, các đối thủ cạnh tranh lớn là Nam Mỹ, Tây Phi, Nam Phi, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc…; với sản phẩm cà phê, tiêu và điều, Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn bởi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Bờ Biển Ngà, Mozambique; hàng thuỷ sản thì phải cạnh tranh với Na Uy, Trung Quốc, Ecuador, Maroc.

EU hiện cũng đã định hình được các đối tác làm ăn lâu dài nên xuất khẩu của Việt Nam sang đây chững lại. Do đó, để khai thác tối đa được xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần đẩy mạnh liên kết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện cho xuất khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và phát triển thị trường. Ví dụ, đối với ngành trái cây, khó khăn đối với việc xuất khẩu nông sản, trái cây hiện nay đó là việc bảo quản. Như với trái cây, hiện thời gian bảo quản được cỡ 2 tuần, mua về có thời gian sử dụng ít nhất 3 ngày nhưng hàng hoá xuất khẩu đưa lên quầy kệ chỉ sau 2-3 ngày là đã hư hỏng. Trong khi đó, hàng hoá phải đủ tươi, đẹp khi tới người tiêu dùng, thì họ mới mua. Do đó, việc tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản để sản phẩm nông nghiệp được lưu giữ lâu hơn là vấn đề sống còn. Bên cạnh đó là vấn đề quảng bá, tiếp thị, doanh nghiệp không thể tự làm mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng.

Một số mặt hàng của Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Ví dụ, EU cam kết thuế 0% dành cho hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với gạo xay xát và gạo thơm. Riêng mặt hàng gạo tấm không còn hạn ngạch và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm. Một số sản phẩm khác được EU cấp hạn ngạch mỗi năm, gồm 500 tấn trứng gia cầm, 400 tấn tỏi, 5.000 tấn ngô, 30.000 tấn bột sắn, 11.500 tấn cá ngừ, 20.000 tấn đường... Hưởng lợi từ thuế trong các FTA thế hệ mới, nhưng nông sản Việt cũng gặp thách thức với các hàng rào kỹ thuật. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng cảnh báo từ các thành viên WTO với Việt Nam tăng 12%. Với thị trường EU, cảnh báo nhiều nhất là về dư lượng hóa chất (47,5%).

Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030 do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng đặt mục tiêu của đề án năm 2025 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 5 - 5,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 30%, mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 20%. Mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 7,5 - 8 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 50% và tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 30%.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 2,1 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 427,3 triệu USD, tăng 36,6% về xuất khẩu và 2,9% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 79,3%), cao su (giảm 12,7%), chè (giảm 49,1%), gạo (tăng 116,5%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 6,4%), hàng rau quả (tăng 12,4%), hàng thủy sản (tăng 43,4%), hạt điều (giảm 9,1%), hạt tiêu (tăng 34,5%), mây, tre, cói và thảm (tăng 20,1%), và sản phẩm từ cao su (giảm 27,2%). 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường