Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 4/2022
16 | 05 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 29/4, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chậm lại trong ba tháng đầu năm 2022 trong khi lạm phát ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý I/2022 chỉ ở mức 0,2% so với mức 0,3% trong quý IV/2021. Trong khi đó, do giá năng lượng tăng cao, giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 4/2022 đã tăng 7,5% - mức cao nhất từ trước đến nay.

Tăng trưởng của cả khu vực Liên minh châu Âu ở mức 0,4%, so với mức 0,5% trong quý IV/2021. Đối với các nước thành viên, số liệu của Eurostat cho thấy, nền kinh tế Pháp đã tăng trưởng trì trệ trong quý 1 so với mức tăng trưởng 0,8% vào quý trước đó. Tại Italy nền kinh tế cũng giảm 0,2%, còn Tây Ban Nha tăng trưởng chậm lại ở mức 0,3% so với mức tăng 2,2% vào giữa quý 3 và quý 4 năm ngoái. Đức là nước duy nhất trong 4 nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đạt được kỳ vọng khi đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2% so với 3 tháng trước.

Số liệu của Eurostat cũng cho thấy lạm phát tại khu vực đồng euro tiếp tục tăng nhẹ, đạt 7,5% tính đến tháng 4, so với mức kỷ lục 7,4% vào tháng trước. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và nhiên liệu) tăng từ 2,9% lên 3,5%. Giá năng lượng tăng 38%, trong khi giá thực phẩm chưa chế biến tăng 9,2%. Nhìn chung, áp lực giá tiếp tục gia tăng trong khu vực đồng euro, khiến lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các chuyên gia nhận định ECB có thể tăng lãi suất vào tháng 7 nếu triển vọng kinh tế không xấu đi. Ngoài ra, quan ngại về sự leo thang các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva gây nguy cơ thiếu hụt dầu mỏ và khí đốt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp và đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa, làm giảm thu nhập hộ gia đình, đồng thời làm mất niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nga hiện đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng làm mờ đi triển vọng kinh tế của châu Âu. Các nhà kinh tế dự báo GDP khu vực đồng euro có thể sẽ giảm trong quý II/2022 do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và giá năng lượng tăng cao gây ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của các hộ gia đình và niềm tin tiêu dùng, cũng như làm trầm trọng thêm các vấn đề nguồn cung. Mức tăng trưởng 0,2% của khu vực eurozone trong quý 1 mặc dù cao hơn mức giảm 0,4% của nền kinh tế Mỹ, song tụt hậu so với mức tăng 1,3% của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 1316,7 triệu USD sang EU, trong khi nhập khẩu 318,7 triệu USD, tăng 49,5% về xuất khẩu và 29,0% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 95,0%), cao su (giảm 12,2%), chè (giảm 64,5%), gạo (tăng 125,2%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 7,4%), hàng rau quả (tăng 19,1%), hàng thủy sản (tăng 56,8%), hạt điều (giảm 1,5%), hạt tiêu (tăng 66,6%), mây, tre, cói và thảm (tăng 39,7%), và sản phẩm từ cao su (giảm 26,2%). 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường