Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Lạm phát tại châu Âu tháng 11 đã giảm lần đầu tiên trong vòng 17 tháng qua, ở mức 10%, làm dấy lên hy vọng rằng lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh. Cụ thể, chỉ số lạm phát tại Eurozone đã giảm nhanh hơn dự báo, xuống còn 10% trong tháng 11, từ mức kỷ lục 10,6% hồi tháng 10. Điều này là do giá năng lượng và dịch vụ đã hạ nhiệt. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo lạm phát tháng 11 của khu vực Eurozone chỉ giảm xuống mức 10,4%. Lạm phát ở Eurozone giảm trong bối cảnh nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, khi giá bán buôn năng lượng và giá thực phẩm giảm mạnh đã bắt đầu tác động tới giá cả tiêu dùng. Theo các nhà kinh tế, với việc lạm phát tại Eurozone đã dịu đi, ECB có thể sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, sau hai lần tăng 0,75 điểm phần trăm trước đó.
Yếu tố lớn nhất giúp lạm phát tại Eurozone giảm trong tháng 11 là giá năng lượng đã tăng chậm lại. Theo đó, lạm phát giá năng lượng đã giảm từ 41,5% của tháng 10 xuống còn 34,9%. Điều này giúp bù đắp cho sự tăng nhẹ trong lạm phát thực phẩm, rượu và thuốc lá. Lạm phát dịch vụ cũng giảm nhẹ xuống còn 4,2%. Lạm phát ghi nhận giảm tại 14/19 quốc gia thuộc Eurozone, chỉ tăng tại 3 quốc gia và đi ngang tại 2 quốc gia còn lại. Nơi giảm mạnh nhất là Hà Lan với lạm phát từ 16,8% trong tháng 10 xuống còn 11,2% trong tháng 11. Pháp hiện là nơi có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở mức 7,1% và ngược lại, Latvia có lạm phát cao nhất, 21,7%.
Tuy nhiên, lạm phát tại Eurozone vẫn đang cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ECB. Chỉ số lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm, của Eurozone hiện vẫn ở mức 5%. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động châu Âu đang suy yếu và điều này ảnh hưởng tới khả năng thương lượng tăng lương của người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã tăng từ 5,5% lên 5,6% trong tháng 11, mức cao nhất trong vòng 17 tháng qua.
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP và EVFTA được thực thi đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao hơn. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA đã có những tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Riêng năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỷ đô la, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỷ đô la, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ đô la, tăng 16,5% so với năm 2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỷ đô la. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA. Năm 2022, xuất khẩu sang các thị trường FTA tiếp tục tăng. Ví dụ như: với thị trường EU, sau 9 tháng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%...
Thực tế, Các doanh nghiệp điển hình của khối EU đã hướng tới thị trường Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đối mặt với trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU ngày càng gắt gao. Đơn cử như ở ngành cà phê, cần đảm bảo chứng chỉ phát triển bền vững để có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu EU. Thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, phát triển bền vững... Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu vào EU trong thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến. Đồng thời, để tận dụng hiệu quả EVFTA mang lại, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 3,8 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 936,3 triệu USD, tăng 17,7% về xuất khẩu và 15,1% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 42,1%), cao su (giảm 33,3%), chè (giảm 38,7%), gạo (tăng 63,9%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 8,3%), hàng rau quả (tăng 20,2%), hàng thủy sản (tăng 32,9%), hạt điều (giảm 17,3%), hạt tiêu (giảm 0,6%), mây, tre, cói và thảm (giảm 2,3%), và sản phẩm từ cao su (giảm 24,9%).
Báo cáo chi tiết xem tại đây.