Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp, xuống còn 9,2% trong tháng 12/2022. Mức lạm phát trên thấp hơn con số 10,1% trong tháng 11. Trước đó, lạm phát ghi nhận trong tháng 10 là 10,6%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Trong tháng 12, chi phí năng lượng đã tăng 25,7%, so với mức tăng 34,9% trong tháng 11. Giá đồ uống và thực phẩm cũng tăng.
ECB cam kết sẽ kiềm chế lạm phát, đồng thời cảnh báo Eurozone sẽ phải đối mặt với khả năng tăng lãi suất trong năm 2023 dù hy vọng rằng giá tiêu dùng đã đạt đỉnh. ECB cho biết lãi suất sẽ tiếp tục tăng, với tốc độ đều, cho đến khi đạt mức có thể đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%. Trong số 20 quốc gia đang sử dụng đồng euro, bao gồm cả Croatia mới gia nhập tháng trước, Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất là 5,6% trong tháng 12. Đức và Pháp đều ghi nhận lạm phát giảm trong tháng 12, làm tăng thêm hy vọng rằng Liên minh châu Âu có thể đã qua đỉnh lạm phát.
Theo dữ liệu khảo sát của hãng S&P Global, hoạt động sản xuất tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 12/2022 giảm nhẹ hơn so với mức được dự báo trước đó, trong bối cảnh sức ép giá cả dịu xuống. Với kết quả này, nguy cơ suy thoái của kinh tế khu vực được cho là sẽ nhẹ nhàng hơn dự báo. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone trong tháng 12 năm ngoái tăng lên 49,3 điểm so với 47,8 điểm trong tháng 11. PMI nằm dưới mức 50 điểm, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, kể từ tháng 7/2022, tuy nhiên chỉ số này trong tháng 12 ở mức cao nhất trong 5 tháng. PMI ngành dịch vụ then chốt của Eurozone tăng từ 48,5 trong tháng 11 lên 49,8 trong tháng 12. Dù vẫn ở mức cao, sức ép về giá trong tháng 12 đã giảm trong ngành này. Chỉ số giá đầu ra giảm từ 62,3 - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022, xuống 61. Đây có thể là tin vui cho các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vốn đang tìm cách kiềm chế lạm phát leo thang. S&P Global nhận định kinh tế Eurozone tiếp tục suy giảm trong tháng 12/2022, nhưng với mức độ giảm vừa phải trong tháng thứ hai liên tiếp, tạm thời cho thấy kinh tế giảm nhẹ hơn so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, các kết quả thăm dò cũng cho thấy kinh tế của khu vực này chưa thể sớm trở lại đà tăng trưởng tốt và ổn định.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) trong đó có Hiệp định EVFTA được thực thi đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA. Thực tế, các doanh nghiệp điển hình của khối EU đã hướng tới thị trường Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đối mặt với trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU ngày càng gắt gao. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, EU đã đạt được thỏa thuận chính trị về luật chống phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu được thúc đẩy bởi sản xuất và tiêu dùng của EU. Thỏa thuận quan trọng này được đưa ra ngay trước khi bắt đầu Hội nghị quan trọng về đa dạng sinh học (COP15) nhằm xác định các mục tiêu bảo vệ thiên nhiên trong nhiều thập kỷ tới. Theo đó, sau khi được thông qua và áp dụng, luật mới đảm bảo một loạt hàng hóa chính được đưa vào thị trường EU sẽ không góp phần vào nạn phá rừng và suy thoái rừng ở EU và các nơi khác trên thế giới. Khi các quy định mới có hiệu lực, tất cả các công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu họ đặt hàng trên thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này: dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su cũng như các sản phẩm có nguồn gốc (chẳng hạn như thịt bò, đồ nội thất hoặc sô cô la). Những mặt hàng này đã được chọn trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định chúng là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng do mở rộng nông nghiệp. Quy định mới đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc mạnh mẽ đối với các công ty muốn đưa các sản phẩm có liên quan vào thị trường EU hoặc xuất khẩu chúng. Các nhà khai thác và thương nhân sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm đều không liên quan đến phá rừng (được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020) và hợp pháp (tuân thủ tất cả các luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất). Các công ty cũng sẽ được yêu cầu thu thập thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp nơi các loại hàng hóa mà họ cung cấp đã được trồng, để những hàng hóa này có thể được kiểm tra xem có tuân thủ hay không. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng việc không tuân thủ các quy tắc sẽ dẫn đến các hình phạt hiệu quả và có tính răn đe. Nghị viện và Hội đồng châu Âu sẽ phải chính thức thông qua Quy định mới trước khi quy định này có hiệu lực. Sau khi Quy định có hiệu lực, các nhà khai thác và thương nhân sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy tắc mới. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ được hưởng thời gian thích ứng lâu hơn, cũng như các điều khoản cụ thể khác. Nhìn chung, để các nông sản Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư nhằm tận dụng tối đa cơ hội, hóa giải các thách thức và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt tại thị trường EU nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 4,2 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 1,0 tỷ USD, tăng 15,4% về xuất khẩu và 17,0% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 40,5%), cao su (giảm 33,9%), chè (giảm 42,6%), gạo (tăng 55,2%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 6,8%), hàng rau quả (tăng 19,7%), hàng thủy sản (tăng 26,5%), hạt điều (giảm 18,0%), hạt tiêu (giảm 6,0%), mây, tre, cói và thảm (giảm 5,9%), và sản phẩm từ cao su (giảm 24,9%).
Báo cáo chi tiết xem tại đây.